A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin về hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Hội nghị Giao ban báo chí

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã thông tin về hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Hội nghị Giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 15/11.

Thị trường xăng dầu có biến động đặc biệt

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, thị trường xăng dầu Việt Nam chịu ảnh hưởng, phụ thuộc lớn vào thị trường xăng dầu thế giới. Đây là điều hiển nhiên vì ta nhập khẩu 20-25% xăng dầu vào sử dụng thị trường trong nước, số còn lại do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn sản xuất. Tuy nhiên, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang nhập khẩu 100% nguồn dầu thô để chế biến. Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng sử dụng 50% nguồn dầu thô nhập khẩu. Như vậy, chúng ta vẫn phụ thuộc 80% dầu thô và xăng dầu thành phẩm để sử dụng.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin về hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Hội nghị Giao ban báo chí

Thị trường xăng dầu Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của tình hình khó khăn chung trên thị trường thế giới

Từ cuối năm 2021, đặc biệt kể từ khi cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraine xảy ra (bắt đầu từ tháng 2/2022), thị trường xăng dầu thế giới có diễn biến phức tạp, nguồn cung khan hiếm, giá liên tục tăng cao (giá xăng dầu thành phẩm thế giới bình quân 10 tháng đầu năm 2022 đã tăng 57-85% so với cùng kỳ năm 2021). Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9 năm 2022, giá xăng dầu có xu hướng giảm liên lục, đã hơn 10 lần giảm giá, người dân và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu được hưởng lợi, CPI ổn định, nhưng doanh nghiệp xăng dầu thì chịu nhiều khó khăn. Từ đầu tháng 10 đến nay, giá thành phẩm xăng dầu thế giới lại có xu hướng tăng trở lại do quyết định giảm sản lượng khai thác dầu của Opec+ và hiện nay tiếp tục có diễn biến phức tạp.

"Hiện nay thị trường xăng dầu thế giới là không bình thường, thậm chí 1 số chuyên gia cho rằng đây là trạng thái dị biệt. Do đó, các giải pháp điều hành cũng sẽ có những chính sách đặc biệt, khác với bình thường" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, thời gian qua, việc điều hành mặt hàng xăng dầu được thực hiện với mục tiêu hài hòa lợi ích của người dân, người sử dụng xăng dầu; doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; Nhà nước.

Trong khi đó, hiện nay, cơ quan điều hành chỉ có duy nhất 1 công cụ điều hành giá xăng dầu là Quỹ Bình ổn giá, để khi giá xăng dầu tăng quá cao thì bù vào. Tuy nhiên quỹ này sử dụng từ tiền mua xăng dầu của người dân, nên khi quỹ âm thì không còn tác dụng. Bên cạnh đó, công cụ về thuế phí đã được sử dụng thời gian qua. Song công cụ này chỉ có tác dụng với người dân và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu, còn đối tượng là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thì không được hưởng lợi.

Ngoài ra, nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia là nguồn quan trọng. Nhưng ta chỉ có 5-7 ngày dự trữ xăng dầu quốc gia, nằm ở doanh nghiệp. Trong khi các quốc gia khác như Nhật Bản, Úc là 90 ngày.

Trong điều kiện đó, thời gian qua, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã phối hợp chặt chẽ, thực hiện nhất quán, đúng quy định (trong việc tính toán, xác định, điều hành giá) tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách linh hoạt, hợp lý nhằm hạn chế mức tăng mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 02 lần, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng và đang tiếp tục đề nghị xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện việc rà soát, điều chỉnh các chi phí cấu thành trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu (Premium, chi phí vận chuyển xăng dầu...) cho phù hợp với thực tế, đảm bảo tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.

Nhờ chính sách giảm thuế và sử dụng linh hoạt quỹ Bình ổn giá nên giá xăng dầu trong nước biến động phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới. Theo công bố tại website: Globalpetrolprices.com (website xếp hạng giá xăng dầu thế giới), giá xăng, dầu của Việt Nam ngày 14/11/2022 đứng thứ 29 đối với mặt hàng xăng và đứng thứ 33 đối với mặt hàng dầu theo thứ tự từ dưới lên trên (giá xăng, dầu rẻ nhất là tại Venezuela và đắt nhất là tại Hong Kong- Trung Quốc).

Nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu khó khăn

Trong thời gian gần đây, thị trường xăng dầu trong nước có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ, một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, bán hàng cầm chừng ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho thị trường.

Chia sẻ về nguyên nhân của tình trạng này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay: Thị trường mặt hàng xăng dầu trên thế giới có biến động rất bất thường do tác động của các vấn đề mang tính toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến biến động của thị trường xăng dầu trong nước. Bên cạnh đó, nhu cầu xăng dầu trong nước tăng khá cao so với dự kiến do sự phục hồi kinh tế của nước ta sau dịch bệnh Covid - 19 là tích cực, cao hơn dự báo (kế hoạch tăng trưởng GDP lúc đầu dự kiến là 6%, tuy nhiên, đến nay, tăng trưởng GDP 2022 dự kiến đạt 8-8,5%). Sự hồi phục kinh tế nhanh, mạnh và vượt kế hoạch khiến nhu cầu tiêu dùng mặt hàng xăng, dầu tăng cao, trong bối cảnh nguồn cung chưa tăng tương ứng.

Ở trong nước, nguồn sản xuất từ 02 nhà máy lọc dầu trong nước 10 tháng đầu năm 2022 chưa đảm bảo theo kế hoạch năm đặt ra. Dù hai nhà máy đã sản xuất vượt công suất, Bình Sơn gần đây sản xuất vượt 112% nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch. Như vậy, còn thiếu 170 nghìn m3/tấn xăng, dầu các loại (10 tháng đầu năm, nguồn sản xuất trong nước từ 02 nhà máy đạt 9,7 triệu m3/tấn, trong khi kế hoạch đăng ký 10 tháng đầu năm là 9,87 triệu m3/tấn).

Ngoài ra, do giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp và khác thường (giá xăng dầu thành phẩm thế giới bình quân 10 tháng đầu năm 2022 đã tăng 57- 85% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9 năm 2022, giá xăng dầu có xu hướng giảm liên tục với biên độ lớn. Từ đầu tháng 10 đến nay, giá thành phẩm xăng dầu thế giới lại có xu hướng tăng trở lại do quyết định giảm sản lượng khai thác dầu của OPEC+ và hiện nay tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường), nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ do đã nhập khẩu khối lượng xăng dầu tương đối lớn với giá cao (trong Quý II), từ Quý III giá lại giảm liên tục. Do thua lỗ, nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp hoạt động kinh doanh, nhập khẩu cầm chừng, cắt giảm các chi phí kinh doanh trong đó có việc cắt giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không đủ chi phí duy trì kinh doanh và cắt giảm sản lượng hoặc gián đoạn việc bán hàng.

Thêm nữa, tỷ giá USD/VND tăng cao dẫn đến chi phí kinh doanh xăng dầu tăng theo làm cho hoạt động kinh doanh xăng dầu càng thêm thua lỗ. Mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển xăng dầu từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài về kho của doanh nghiệp, vì vậy làm chậm nguồn cung ứng xăng dầu trong một số thời điểm.

Về nguyên nhân chủ quan, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu, từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế (chi phí vận chuyển, premium…) tăng liên tục và tăng cao nhưng những chi phí này chưa được rà soát, điều chỉnh tăng và tính đúng, tính đủ khi tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành nên chưa khuyến khích doanh nghiệp nhập xăng, dầu để cung ứng cho thị trường trong nước.

Trong khi giá xăng dầu tăng, tỷ giá USD/VND tăng thì nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn, khó tiếp cận nguồn ngoại tệ, nguồn tín dụng (các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay tiền tại các tổ chức tín dụng). Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, room tín dụng thì còn, nhưng nếu như các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhà nước được vay tín chấp thì các doanh nghiệp tư nhân lại không còn tài sản để thế chấp. Vì vậy, nguồn tài chính của các doanh nghiệp đầu mối bị ảnh hưởng đến việc nhập khẩu xăng dầu nên các doanh nghiệp chỉ duy trì nhập lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc của doanh nghiệp mình và duy trì lượng hàng dự trữ tồn kho theo quy định.

Một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước Giấy phép kinh doanh xăng dầu trong thời gian 1-1,5 tháng (do vi phạm hành chính) dẫn đến ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu tại một số địa bàn. Có doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị Tổng cục Hải quan ngừng thông quan mặt hàng xăng dầu do không đáp ứng điều kiện về việc kết nối dữ liệu điện tử theo quy định của Tổng cục Hải quan (áp dụng từ 1/7/2022).

"Thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành đã họp liên tục, bước đầu có quyết định điều chỉnh chi phí thực của doanh nghiệp để đủ, đúng, kịp thời cho doanh nghiệp và dự kiến sẽ điều chỉnh vào kỳ điều hành ngày 21/11. Về tín dụng, dù khó khăn, nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng đang vào cuộc quyết liệt" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ.

Nỗ lực đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường

Trong thời gian tới, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, do tình hình địa chính trị trên thế giới còn phức tạp, khó lường, nguồn cung xăng dầu sẽ vẫn còn tiếp tục khó khăn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn sâu sát, điều hành quyết liệt và đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân theo đúng quy định.

Bộ Công Thương cũng đang tích cực cùng Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn; bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu định kỳ trước ngày 20 hàng tháng rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu và chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Thực hiện ngay nhiệm vụ này để phục vụ kỳ điều hành giá ngày 21 tháng 11 năm 2022. Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm báo cáo kịp thời, trung thực, chính xác các thông tin theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia, hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và quy định của Luật dự trữ quốc gia và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát cụ thể vướng mắc của từng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để xử lý, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời và tạo điều kiện tối đa bảo đảm nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Công Thương, Tài chính chỉ đạo các cơ quan báo chí và phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam để thông tin tuyên truyền có định hướng, phản ánh khách quan, trung thực, toàn diện về tổng thể thị trường xăng dầu trong nước và thế giới trong bối cảnh có nhiều khó khăn như hiện nay, ổn định tâm lý xã hội và người dân, tránh gây hoang mang trong dư luận. Các Bộ: Công Thương, Tài chính chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí theo quy định.

Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chỉ đạo Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn có phương án phân phối xăng dầu hợp lý, ưu tiên nhu cầu mua hàng của doanh nghiệp đã và đang nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ bù đắp chi phí.

Các Bộ: Công Thương, Công an, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các cơ quan chức năng liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu; đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.

“Dù 1 cửa hàng đóng cửa thì cũng là trách nhiệm của các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương. Chúng tôi nhận trách nhiệm và cho rằng đây là việc phải làm tốt hơn nữa. Chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt những việc trong chức năng nhiệm vụ của mình. Những việc không thuộc chức năng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp các bộ ngành báo cáo với Chính phủ, quốc hội, Ủy ban Thường vụ quốc hội để có giải pháp xử lý" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :