Nhật Bản cảnh báo về nguy cơ thiếu cung LNG trầm trọng trong 3 năm tới
Nhật Bản cảnh báo trong 3 năm tới, cuộc tranh đua mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ trở nên gay gắt hơn trên toàn cầu vì các hợp đồng cung ứng LNG dài hạn đã được “bán sạch” và nguồn cung mới rất ít ỏi.
Các hợp đồng cung ứng LNG dài hạn bắt đầu trước năm 2026 đã được “bán sạch”, theo kết quả khảo sát các công ty Nhật Bản do Bộ Thương mại Nhật Bản công bố trong ngày 21/11. Các loại hợp đồng dài hạn này rất quan trọng với người mua, vì chúng cung cấp mức giá ổn định và nguồn cung đáng tin cậy trong nhiều năm.
Các quốc gia trên thế giới đã và đang gấp rút chốt thỏa thuận năng lượng với các nhà xuất khẩu lớn như Qatar và Mỹ. Tuy nhiên, nguồn cung mới trước năm 2026 sẽ rất ít ỏi. Trong khi đó, châu Âu đang gấp rút thay thế năng lượng từ Nga bằng LNG, qua đó càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhiên liệu trên toàn cầu.
Tình trạng này dẫn tới các nhà nhập khẩu buộc phải phụ thuộc vào thị trường giao ngay – vốn rất biến động và đắt đỏ. Hiện tại, giá giao ngay cao gần gấp 3 lần so với giá của hợp đồng dài hạn. Gần 30% lượng hàng LNG được mua bán trên thị trường giao ngay trong năm 2021, theo Tổ chức nhà nhập khẩu LNG quốc tế (IGLNGI).
Cũng trong ngày 21/11, các quan chức Nhật Bản đã họp với các giám đốc công ty năng lượng để bàn về kế hoạch thu mua LNG. Nhật Bản có thể là quốc gia nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới trong năm nay và LNG là lựa chọn hàng đầu của xứ sở mặt trời mọc cho hoạt động sản xuất điện.
Việc thiếu đầu tư vào các dự án sản xuất LNG trong những năm gần đây có thể bóp nghẹt nguồn cung trên thị trường trong vài năm tới, trích từ tài liệu của Bộ Thương mại Nhật Bản. Nếu dầu vận chuyển qua đường ống dẫn từ Nga tới EU bị cắt đứt hoàn toàn, thế giới có thể thiếu hụt 7.6 triệu tấn LNG trong tháng 1/2025, tương đương với 1 tháng nhập khẩu của Nhật Bản.
Nhật Bản đang thực hiện các động thái để đảm bảo an ninh năng lượng, trong đó có cho phép Chính phủ mua LNG từ thị trường giao ngay nếu các công ty không thể mua.