A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thương mại châu Âu – Mỹ bùng nổ giữa cơn biến động kinh tế toàn cầu

Bản đồ kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, với thương mại và đầu tư giữa châu Âu và Mỹ tăng trưởng nhanh chóng khi chiến sự ở Ukraine và mối quan hệ căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc kéo các đồng minh xuyên Đại Tây Dương xích lại gần nhau hơn.

Mỹ nhập hàng hóa từ châu Âu nhiều hơn từ Trung Quốc

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ EU và Anh của Mỹ (cột ngang màu xanh) cao hơn kim nhập nhập khẩu từ Trung Quốc (cột ngang màu đỏ) trong hầu hết chín tháng đầu năm 2022, ngoại trừ tháng 1. Ảnh: WSJ

Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu nhiều hơn từ Trung Quốc trong năm nay, một sự thay đổi lớn so với thập niên 2010 khi Trung Quốc nổi lên là đối tác thương mại số một của Mỹ. Từ đồng hồ Thụy Sĩ đến máy móc Đức và các mặt hàng xa xỉ của Ý, các sản phẩm châu Âu đang chảy sang Mỹ mạnh hơn bao giờ hết.

Điều đó đang hỗ trợ cho các nhà sản xuất đang gặp khó khăn của châu Âu giữa lúc họ đang vật lộn với giá năng lượng tăng chóng mặt. Cơn bùng nổ thương mại này đưa các cảng bờ Đông, giáp Đại Tây Dương, vượt lên trên các cảng bờ Tây của Mỹ, cửa ngõ nhập khẩu hàng hóa châu Á, về khối lượng container.

Chỉ trong tháng 9, xuất khẩu của Đức sang Mỹ tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng euro yếu tạo thêm lợi thế cho các công ty châu Âu trên thị trường rộng lớn của Mỹ. Các công ty châu Âu cũng đang đổ các nguồn lực đầu tư vào Bắc Mỹ, bao gồm cả Mexico khi họ bị thu hút bởi khả năng tiếp cận năng lượng giá rẻ.

Trong khi đó, Mỹ đang trở thành một trong những nhà cung cấp năng lượng và quân sự lớn nhất của châu Âu. Mỹ đã thay thế Nga để trở thành nhà cung cấp khí đốt chủ lực của châu Âu đồng thời giúp khu vực này tăng cường khả năng phòng thủ quân sự. Đức đang có kế hoạch mua 35 chiến đấu cơ F-35 do tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin Corp của Mỹ chế tạo. Xuất khẩu dịch vụ của Mỹ sang Liên minh Châu Âu (EU) cũng tăng mạnh, với mức tăng 17% vào năm 2021 so năm 2020, lên 305 tỉ euro, theo dữ liệu EU.

Sự trỗi dậy của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là một phần của quá trình tái tổ chức nền kinh tế toàn cầu dọc theo các tuyến Đông-Tây. Việc Nga cắt nguồn cung năng lượng sang châu Âu và mối lo ngại quá phụ thuộc vào Trung Quốc đã thay đổi cách thức kinh doanh của nhiều công ty phương Tây.

Ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương, các chính phủ khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm quan trọng tại địa phương, thay vì ở châu Á. Một số công ty Đức bắt đầu xuất khẩu sang Mỹ những sản phẩm được sản xuất tại các nhà máy ở Đức thay vì Trung Quốc, một phần để tránh thuế quan. Đồng thời, các công ty vừa và nhỏ của Đức cũng đã đa dạng hóa các khoản đầu tư khỏi Trung Quốc, nơi họ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, chi phí nhân công tăng và các quy định phòng chống Covid-19 khắt khe, theo một nghiên cứu gần đây của Công ty tư vấn Rhodium Group.

Lợi thế của Mỹ: Dầu khí giá rẻ, công nhân lành nghề

Một tàu container đang tiến vào cảng New York – New Jersey ở bờ Đông nước Mỹ. Khi thương mại xuyên Đại Tây Dương bùng nổ, khối lượng container xử lý tại các cảng bờ Đông như cảng New York – New Jersey đang vượt các cảng ở bờ Tây, cửa ngõ nhập khẩu hàng hóa châu Á. Ảnh: Getty

Ilham Kadri, Giám đốc điều hành Solvay SA, công ty hóa chất có trụ sở tại Bỉ với doanh thu hàng năm khoảng 11 tỉ euro, nói: “Chúng tôi nhắm đến thị trường Mỹ nhiều hơn nữa trong bối cảnh địa chính trị hiện nay”. Gần đây, công ty này đã đã công bố khoản đầu tư 850 triệu đô la Mỹ để xây dựng các cơ sở sản xuất pin ở miền nam nước Mỹ, bao gồm cả ở bang Georgia, nhằm tận dụng doanh số bán xe điện đang bùng nổ.

Kadri nói: “Hiện tại, Trung Quốc vẫn tiến hành các đợt phong tỏa để kiểm soát Covid-19. Trong khi đó, châu Âu đang chứng kiến cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát cao. Thế rồi, bạn nhìn xung quanh và nhận ra Mỹ có tất cả”.

Theo Kadri, các lợi thế quan trọng của Mỹ bao gồm dầu khí giá rẻ, công nhân lành nghề và cả sự hỗ trợ của chính phủ để xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch.

Theo một báo cáo hồi tháng 10 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Mỹ đã thu hút  đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trị giá 74 tỉ đô la Mỹ trong 3 tháng tính đến tháng 6, cao nhất so với bất kỳ nước nào và cao hơn con số 46 tỉ đô la Mỹ FDI mà Trung Quốc nhận được trong cùng thời kỳ.

Nền kinh tế Mỹ vẫn còn động lực đáng kể bất chấp chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay nhằm hạ nhiệt nhu cầu. Và Mỹ đang hướng đến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trị giá 4 nghìn tỉ đô la Mỹ trong năm nay, tăng khoảng 1/3 so với năm 2019, theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ.

Trong 9 tháng đầu năm, các công ty kỹ thuật cơ khí của Đức, nơi sử dụng khoảng một triệu lao động, đã tăng xuất khẩu sang Mỹ gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 18 tỉ  euro. Ngược lại, trong cùng thời kỳ, doanh số xuất khẩu của Đức trong lĩnh vực này sang Trung Quốc giảm 3%, xuống còn 14 tỉ euro, theo Hiệp hội Công nghiệp kỹ thuật cơ khí Đức (VDMA).

Theo Công ty phân tích chuỗi cung ứng Project44, khi thương mại xuyên Đại Tây Dương bùng nổ, khối lượng container tại các cảng bờ Đông như cảng New York – New Jersey đã tăng vượt trội so với các cảng bờ Tây như Los Angeles trong những tháng gần đây.

Tận dụng lợi thế của đồng đô la Mỹ mạnh, du khách Mỹ cũng đang đổ xô đến châu Âu du lịch và mua sắm. Tổ chức Du lịch thế giới cho biết châu Âu đã đón lượng du khách quốc tế trong bảy tháng đầu năm cao gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2021, nhờ du khách từ Mỹ. Tháng trước, Tập đoàn hàng xa xỉ Kering của Pháp, sở hữu các thương hiệu bao gồm Gucci và Yves Saint Laurent, cho biết doanh số bán hàng của họ ở Tây Âu đã tăng 74% trong quí 3 nhờ làn sóng du khách Mỹ ở các thành phố trong khu vực.

FDI của châu Âu vào Mỹ tăng mạnh

“Mối quan hệ kinh tế EU- Mỹ đang mạnh hơn trước đây. Bạn có thể nhìn thấy điều này qua các con số”, Margrethe Vestager, Phó chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu (EC), nói.

Một phần là do hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine, các chính phủ châu Âu đang tăng cường sức mạnh quân sự và phòng thủ không gian mạng, đồng thời tìm cách xây dựng thêm các nhà máy bán dẫn trong khu vực và thúc đẩy sản xuất tại địa phương trong các ngành như trí tuệ nhân tạo.

Năm ngoái, FDI của châu Âu vào Mỹ đã tăng 13,5%, lên khoảng 3,2 nghìn tỷ đô la Mỹ và FDI của Mỹ vào châu Âu đã tăng khoảng 10%, lên mức 4 nghìn tỷ đô la Mỹ. Những con số đó đã làm lu mờ dòng đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc.

Một số sự phục hồi trong đầu tư của châu Âu vào Mỹ là do doanh nghiệp châu Âu lo ngại về triển vọng nền kinh tế ở khu vực của họ. Tập đoàn hóa chất Lanxess của Đức đang tập trung đầu tư vào Mỹ trong tương lai và không còn kế hoạch đầu tư nào vào việc mở rộng các nhà máy ở Đức.

Ignacio Galán, Chủ tịch Công ty năng lượng Iberdrola của Tây Ban Nha dự định phân bổ vào Mỹ gần một nửa trong số 47 tỉ euro mà công ty này dự định đầu tư vào mạng lưới điện và năng lượng tái tạo trên toàn cầu trong ba năm tới.

Iberdrola đang cung cấp điện ở New York, Connecticut, Massachusetts, Maine và đang giúp phát triển một trang trại điện gió ngoài khơi bờ biển bang Massachusetts, có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của hơn 400.000 ngôi nhà.

Galán cho biết những cơ hội mà Mỹ mang lại vào lúc này là rất lớn. “Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang dẫn đầu toàn cầu trong việc tạo ra môi trường hấp dẫn để thu hút đầu tư vào tiến trình chuyển đổi năng lượng”, Galán nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :