Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022: Tái thiết ngành du lịch
Sáng 12/10, Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, Kiên cường phục hồi du lịch” đã diễn ra tại tỉnh Quảng Nam.
Du lịch Tiểu vùng Mê Công mở rộng từng bước khẳng định vị trí
Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, Kiên cường phục hồi du lịch” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam chủ trì tổ chức với sự phối hợp với Văn phòng Điều phối Du lịch Mê Kông và hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Sự kiện được tổ chức sau Phiên họp Nhóm công tác du lịch Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng lần thứ 50 và Phiên họp Hội đồng Văn phòng Điều phối Du lịch Mê Công.
Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, Kiên cường phục hồi du lịch” |
Diễn đàn tổ chức hàng năm nhằm mục đích nâng tầm khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) như một điểm đến du lịch chung, cung cấp một nền tảng toàn ngành cho khu vực công và tư để giải quyết các vấn đề du lịch của Tiểu vùng, đồng thời mở rộng mạng lưới tiếp thị và cơ hội quảng bá để thúc đẩy GMS trong khi tập hợp các nguồn lực tập thể để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong ngành.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đối mặt trước những thách thức và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thời gian qua du lịch Việt Nam đã chủ động, tích cực thích ứng để triển khai nhiều giải pháp ứng phó với đại dịch. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón hơn 1,65 triệu lượt khách quốc tế đến, phục vụ 86,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu khoảng 16,5 triệu đô-la Mỹ.
Riêng trong Tiểu vùng Mê Công mở rộng, Việt Nam đã đón hơn 110 nghìn lượt khách từ các nước GMS. “Tôi tin rằng lượng trao đổi khách sẽ còn tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian tới, khi các nước trong tiểu vùng đang lần lượt gỡ bỏ hoàn toàn các yêu cầu nhập cảnh liên quan đến COVID-19, tạo điều kiện kết nối điểm đến”, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại diễn đàn |
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm du lịch Tiểu vùng Mê Công mở rộng đã từng bước thể hiện được vị trí, vai trò của mình qua sự tăng trưởng về lượng khách, chất lượng sản phẩm du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật. Năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng đạt gần 74 triệu lượt, tăng 7% so với năm 2018, chiếm khoảng 15% lượng khách đi du lịch tới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong 6 tháng đầu năm 2022 khi các nước khu vực tiểu vùng Mê Công lần lượt mở cửa, đón hơn 3,2 triệu lượt khách quốc tế.
Với tỉnh Quảng Nam, ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đây là cơ hội vàng để tỉnh Quảng Nam thể hiện hình ảnh là điểm đến và tăng cường liên kết du lịch với các nước thành viên GMS và đặc biệt hơn khi Quảng Nam cũng là đơn vị đăng cai tổ chức sự Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Điểm đến du lịch xanh”.
Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng đây là cơ hội vàng để Quảng Nam thể hiện hình ảnh là điểm đến và tăng cường liên kết du lịch với các nước thành viên GMS |
Ông Trần Văn Tân khẳng định tỉnh Quảng Nam đang tăng cường nỗ lực để giúp ngành du lịch phục hồi do tầm quan trọng về kinh tế, cũng như các giá trị xã hội và môi trường mà du lịch mang lại. Tỉnh cam kết tăng trưởng bền vững ngành du lịch bằng cách tận dụng công nghệ để giảm thiểu tác động tiêu cực đồng thời thúc đẩy bảo vệ môi trường tự nhiên.
Xây dựng ngành du lịch bền vững và toàn diện hơn
Tại sự kiện, các chuyên gia, nhà lãnh đạo du lịch trong khu vực tập trung thảo luận về chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, Kiên cường phục hồi du lịch”, duy nghĩ lại việc xây dựng lại ngành du lịch của GMS bằng cách áp dụng các phương pháp tiếp cận dựa vào khả năng phục hồi và tận dụng hiệu quả công nghệ để tạo ra một ngành du lịch bền vững và toàn diện hơn.
Bà Liz Ortiguera, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) trình bày về vấn đề tương lai của ngành du lịch - tư duy lại về du lịch, tư duy lại về quảng bá và quản lý điểm đến. Đặc biệt, cần làm rõ sự phát triển của các siêu xu hướng và tác động của chúng đối với động lực du lịch ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, đặc biệt trong khu vực GMS, và cách các bên liên quan trong ngành du lịch nên thích ứng.
Các chuyên gia, nhà lãnh đạo du lịch trong khu vực tập trung bàn về chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, Kiên cường phục hồi du lịch” |
“Tôi cảm thấy lạc quan khi ngành du lịch đang tái hoạt động trở lại. Sau đại dịch COVID-19, xu hướng du lịch đang được thay hàng ngày. Các du khách đều cân nhắc điểm đến của mình, họ muốn đồng tiền của họ đóng góp vào địa phương. Do đó, chúng ta những người làm du lịch ở địa phương cần tạo ra những sản phẩm mới, làm sao để hấp dẫn du khách”, bà Liz Ortiguera nói.
Để phục hồi đà tăng trưởng du lịch của GMS, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, 6 nước thành viên cần tiếp tục cơ chế hợp tác phát triển, xây dựng các sản phẩm mới đa dạng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch từ nhiều phân khúc. Để làm được điều đó, không thể thiếu sự phối hợp, hỗ trợ tích cực về nguồn lực từ các nhà đầu tư khu vực nhà nước cho các cơ sở hạ tầng du lịch và chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời từ các nhà đầu tư khu vực tư nhân cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú và vận chuyển. Bên cạnh các đối tác quen thuộc, thời gian tới Tiểu vùng Mê Công mở rộng sẽ tích cực tìm kiếm, phối hợp với các nhà đầu tư mới, tiềm năng để tiếp tục phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tiểu vùng.
Ông cũng đề xuất một số vấn đề và thách thức trong thời gian tới, đồng thời kiến nghị một số giải pháp ưu tiên cần quan tâm triển khai: Tăng cường liên kết, hợp tác nội khối; Thúc đẩy hiệu quả hợp tác công-tư và xây dựng quan hệ đối tác mới; Đẩy mạnh truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch chung; Phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch.
“Để thành công tái thiết ngành du lịch, chúng ta cần cùng nhau hành động với nỗ lực tập thể hướng tới mục tiêu chung phục hồi ngành du lịch Mê Công. Là các nước có lợi thế về vị trí địa lý gần, với sự tin tưởng lẫn nhau và cơ chế hợp tác du lịch hiệu quả, tôi tin tưởng trong thời gian không xa, khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khẳng định vị thế là một điểm đến chung hấp dẫn đối với du khách quốc tế”, ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 gồm ba phiên thảo luận sẽ được diễn ra vào chiều nay (12/10). Phiên thảo luận thứ nhất “Doanh nghiệp công: Một công cụ hiệu quả và có mục đích để phục hồi, phát triển và xúc tiến du lịch bền vững”. Phiên thảo luận thứ hai “Các phương pháp mới để kết nối người mua và nhà cung cấp du lịch bền vững”. Phiên thảo luận cuối cùng có chủ đề “Công nghệ: Mở ra cơ hội du lịch xanh”. |