A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngổn ngang đường cao tốc qua Bình Thuận

Hai dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo qua tỉnh Bình Thuận nằm trong số các gói thầu thi công chậm nhất thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, buộc phải tăng tốc bù tiến độ

Làm việc với các ban quản lý dự án, nhà thầu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho rằng trách nhiệm lớn nhất của việc chậm trễ các dự án đường cao tốc là do sự chủ quan, thiếu sâu sát trong triển khai dự án trọng điểm quốc gia và yêu cầu mạnh tay với những đơn vị thi công yếu.

Loại bỏ nhiều nhà thầu thiếu năng lực

Theo hợp đồng ký kết, 2 dự án đường cao tốc qua địa bàn tỉnh Bình Thuận là Dầu Giây - Phan Thiết (dài 99 km) và Phan Thiết - Vĩnh Hảo (dài 100,8 km) phải đi vào vận hành trong năm 2022. Thế nhưng hiện nay, công trường thi công 2 dự án vẫn đang ngổn ngang.

Đại diện chủ đầu tư dự án đường cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo là Ban Quản lý dự án 7 (thuộc Bộ GTVT) cho biết đến nay, tiến độ thực hiện của dự án chỉ đạt hơn 60% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 6,7% so với tiến độ điều chỉnh. Quá trình giám sát, Ban Quản lý dự án 7 đã xử lý, loại bỏ các nhà thầu vi phạm tiến độ, bổ sung những nhà thầu phụ, thay thế các tổ, đội thi công yếu kém ở cả 4 gói thầu với tổng cộng 36,2 km tuyến chính và 3 cầu.

Ngổn ngang đường cao tốc qua Bình Thuận - Ảnh 1.

Thi công đoạn đường cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo tại gói thầu XL01

Đại diện liên danh gói thầu XL01 đường cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo thừa nhận dự án chậm tiến độ một phần do nguyên nhân chủ quan của nhà thầu. "Lúc vào lập dự án tại Bình Thuận, chúng tôi được báo giá là 170.000 đồng/m³ đất đắp nền, sau đó con số này tăng mạnh, đến nay phải mua có những loại hơn 300.000 đồng/m³. Chúng tôi không làm thì không có việc, mất năng lực mà làm thì lại lỗ" - phía đơn vị nhà thầu phân trần.

Đại diện gói thầu XL03 cho biết đến cuối tháng 10-2022, đơn vị thi công mới tiếp cận đầy đủ các mỏ đất để triển khai đắp nền. Suốt thời gian dài, tình trạng thiếu đất nền, thủ tục cấp mỏ rườm rà khiến guồng máy thi công đường cao tốc ảnh hưởng theo. "Từ khi được cấp đất nền, các đơn vị cũng tăng tốc trên công trường" - đại diện đơn vị thi công gói thầu XL03 đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo nói.

Không còn đường lùi

Theo Bộ GTVT, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo là 2 trong số 4 dự án đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông phải hoàn thành trong năm 2022. Tuy nhiên đến nay, các dự án này đã bị chậm tiến độ so với hợp đồng ký kết và theo yêu cầu của Chính phủ. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho rằng dự án đường cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo khởi công từ tháng 9-2020 nhưng đến ngày 2-9-2022 mới đạt khối lượng 49% là quá chậm. "Hiện tại, các dự án qua địa bàn tỉnh Bình Thuận không còn đường lùi. Đến thời điểm hiện nay, trong số 4 gói thầu tại dự án Phan Thiết - Vĩnh Hảo thì 2 gói XL02 và XL04 phải rất nỗ lực mới có khả năng thông xe kỹ thuật trước ngày 31-12-2022" - ông Huy nói.

Ông Nguyễn Văn Thắng cho rằng dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được khởi công từ tháng 9-2020 đến nay nhưng các ban quản lý dự án, nhà thầu chỉ mới tăng tốc, quyết tâm thi công từ đầu năm nay là không được. "Giá vật liệu tăng nhiều nhất trong quý I/2022, còn cuối năm 2021 trở về trước thì không có gì biến động nhiều. Nếu chúng ta chủ động thi công quyết liệt ngay từ lúc phát động thì không có khó khăn này. Chúng ta đợi đến khi Thủ tướng Chính phủ vào kiểm tra, bộ đôn đốc thì mới lật đật làm. Riêng về nguyên nhân dịch bệnh, đây không phải là dự án triển khai duy nhất trong cả nước khi có dịch COVID-19. Có những dự án cũng ở miền Trung, khởi công cùng thời điểm nhưng vẫn thi công vượt qua dịch, vượt qua ảnh hưởng bão giá để hoàn thành tiến độ" - ông Thắng nói. Bộ trưởng Bộ GTVT cũng nhấn mạnh các nhà thầu thi công đường cao tốc giai đoạn 1 không có năng lực sẽ bị loại bỏ khỏi giai đoạn 2 của đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.

Bộ trưởng Bộ GTVT phê bình ban quản lý của 2 dự án này cũng như các nhà thầu liên quan, yêu cầu các đơn vị tập trung tối đa nguồn lực tài chính, máy móc, thiết bị, công nhân, khắc phục bất lợi thời tiết để thi công cả buổi tối, 24/24 giờ, "3 ca 4 kíp" với mục tiêu thông xe kỹ thuật 2 dự án Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo trong năm nay. "Việc tăng tốc tiến độ phải bảo đảm song song với chất lượng, tuyệt đối không bỏ qua các quy trình theo tiêu chuẩn kỹ thuật" - ông Thắng yêu cầu. 

Xe chở vật liệu cày nát đường dân sinh

Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết hiện tuyến đường được Ban Quản lý dự án 7 và các nhà thầu tiếp nhận, đăng ký vận chuyển vật liệu thi công tuyến cao tốc đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo xuất hiện nhiều hư hỏng, trồi lún nền, mặt đường như Quốc lộ 28B, Quốc lộ 1 - Phan Sơn, đường tỉnh 711 đoạn Phú Hội - Cẩm Hang - Sông Quao. "Trước khi triển khai các gói thầu thi công đường cao tốc qua địa bàn, chủ đầu tư, đơn vị thi công đều có cam kết với địa phương về việc hoàn trả hiện trạng các tuyến đường dân sinh dùng để chở vật liệu ở mức bằng hoặc tốt hơn ban đầu. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở GTVT, đến nay dù tuyến cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận sắp thông xe kỹ thuật nhưng chưa có đường dân sinh nào được hoàn trả" - đại diện Sở GTVT tỉnh Bình Thuận nói.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
  • :
  • :