A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

AI - Động lực phát triển báo chí số

Trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của truyền thông báo chí. Các cơ quan báo chí cần chủ động ứng dụng AI một cách trách nhiệm

Ngày 10-7, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm "AI - Động lực phát triển báo chí số" và ra mắt chuyên mục AI 365 trên Báo Người Lao Động điện tử.

Tham dự tọa đàm có ông Nguyễn Huy Ngọc, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khu vực miền Nam; ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM; ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng Phòng Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM.

Cơ hội và thách thức

Mở đầu tọa đàm với tham luận "Tác động của AI đến ngành truyền thông và báo chí", ông Nguyễn Văn Thức, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ và Đào tạo Keystone, cho hay sử dụng AI sẽ giúp cơ quan truyền thông và báo chí tăng hiệu suất, hiệu quả; tự động hóa quy trình; phong phú nội dung đầu ra (image, photo talking, video, podcast, infographic, games…). AI có thể tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại như thu thập dữ liệu, viết tin ngắn, biên tập, dịch thuật... giúp các nhà báo tiết kiệm thời gian và tập trung vào các công việc sáng tạo, kiểm duyệt, chỉnh sửa và phân tích sâu hơn. Số lượng tin tăng mà không cần tăng nhân sự.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thức nhìn nhận việc sử dụng AI cũng đem đến nhiều thách thức. Tự động hóa có thể khiến một số công việc báo chí truyền thống trở nên dư thừa. Việc sử dụng AI trong sáng tạo nội dung đặt ra nhiều câu hỏi về bản quyền, trách nhiệm pháp lý và đạo đức nghề nghiệp. AI có thể bị lợi dụng để tạo ra và lan truyền tin giả một cách tinh vi hơn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Theo ông Thức, AI tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của truyền thông báo chí. Do đó, các cơ quan báo chí cần chủ động ứng dụng AI một cách trách nhiệm, bảo đảm sự minh bạch và công bằng trong việc sử dụng công nghệ này.

ThS Đinh Duy Linh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông II, Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhấn mạnh ứng dụng AI sẽ nâng cao hiệu suất tổ chức/doanh nghiệp và năng suất làm việc nhưng có nhiều rào cản trong việc áp dụng. Đó là vấn đề nhân sự, chi phí, sự thích nghi giữa nhân sự cũ và mới...

Giải pháp được ThS Đinh Duy Linh đưa ra là đào tạo kỹ năng ứng dụng AI. Việc đào tạo gồm cơ bản (hiểu rõ AI, AI Generative, khả năng và giới hạn tư duy và cách tạo ra các prompt hiệu quả) và chuyên sâu (tiếp thị, bán hàng; sáng tạo nội dung số; giải quyết vấn đề và tư duy…). Đào tạo lãnh đạo trước, nhân viên sau để lãnh đạo hiểu, đặt mục tiêu cho nhân viên.

Nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động phát biểu tại tọa đàm Ảnh: Hoàng Triều

Nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động phát biểu tại tọa đàm Ảnh: Hoàng Triều

Tòa soạn Báo Người Lao Động và Trung tâm Đào tạo Bưu chính viễn thông II ký kết hợp tác

Tòa soạn Báo Người Lao Động và Trung tâm Đào tạo Bưu chính viễn thông II ký kết hợp tác

Hình thành thói quen và sử dụng công nghệ

Chia sẻ về việc ứng dụng AI trong Báo Người Lao Động, nhà báo Lê Cao Cường - Phó Tổng Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Người Lao Động - cho biết Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông II và Tòa soạn đã triển khai chương trình đào tạo "Ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung báo chí số", bao gồm 2 khóa học (khóa cơ bản và nâng cao) diễn ra từ ngày 22-3 đến 19-6. Hơn 120 học viên tại trụ sở chính và các văn phòng đại diện của báo trên các vùng, miền cả nước tham gia. "Lần đầu tiên một chương trình đào tạo quy tụ được toàn bộ đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, cộng tác viên của báo tham dự. Học viên từ ban đầu còn nghi ngờ, lo lắng đã trở nên tích cực tham gia mọi hoạt động học tập và rèn luyện" - nhà báo Lê Cao Cường đánh giá.

Sau khóa học, học viên đã ứng dụng AI xử lý văn bản để sản xuất tin, bài viết dạng văn bản, podcast; tổng hợp, phân tích dữ liệu để tạo các bản tin infographic, biểu đồ; sản xuất video/clip ngắn; tạo hình minh họa cho cả báo in và báo điện tử - một hình thức mới mẻ, phong phú và sinh động hơn. Ấn tượng nhất có thể kể đến chỉ cần 3 bước (dùng Chat GPT, Virbo, Capcut) trong thời gian từ 20-25 phút, phóng viên có thể tạo ra một video để xuất bản trên NLĐO và các nền tảng mạng xã hội mà không cần trường quay, không thu âm giọng đọc, không MC thật...

"Khóa đào tạo đã giúp hình thành thói quen và kỹ năng ứng dụng công nghệ nói chung và AI nói riêng vào công việc hằng ngày. Đây là giá trị lớn nhất mà khóa học mang lại, giúp nâng cao năng lực công nghệ cho đội ngũ, góp phần thực hiện chiến lược chuyển đổi số của báo và từng bước hình thành văn hóa số" - Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đúc kết.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Thay đổi nhận thức

Phát biểu tại tọa đàm, PGS-TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) mong muốn tiếp tục đồng hành với Báo Người Lao Động để tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng AI trong phát triển báo chí số, qua đó hình thành được tổ hợp truyền thông Báo Người Lao Động.

Kết luận buổi tọa đàm, nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhìn nhận những nỗ lực của Báo Người Lao Động và Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông trong thời gian qua. Dù thời gian đào tạo không dài nhưng có thể nói Báo Người Lao Động đã ứng dụng AI rất hiệu quả với những sản phẩm cụ thể. Không dừng lại ở đó, kết quả lớn hơn là sự thay đổi rất lớn trong nhận thức của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và cộng tác viên.

Tuy nhiên, theo nhà báo - TS Tô Đình Tuân, dù đã có những kết quả rõ ràng nhưng chỉ là bước khởi đầu. "Chúng ta còn chặng đường dài để đưa chuyển đổi số vào lĩnh vực báo chí. Con đường phía trước của báo chí thế giới, báo chí Việt Nam là phải ứng dụng AI để phát triển, song để hiện thực hóa điều này là không đơn giản" - nhà báo - TS Tô Đình Tuân nhìn nhận.

Ông cho biết cách đây 4 năm khi vấn đề chuyển đổi số chưa thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội thì Đảng ủy Báo Người Lao Động đã ban hành một nghị quyết về chuyển đổi số. Điều đó cho thấy quyết tâm chuyển đổi số của lãnh đạo Báo Người Lao Động ngay từ những ngày đầu, để từng bước thay đổi nhận thức, nâng cao kiến thức. Đến hôm nay, Báo Người Lao Động đã hiện thực hóa những điều đó, cho ra sản phẩm ứng dụng công nghệ.

"Với sự đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giao Trung ương và TP HCM, cùng với sự nỗ lực của mình, Báo Người Lao Động sẽ biến những ước mơ thành hiện thực" - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động khẳng định.

Sau tọa đàm, Tòa soạn Báo Người Lao Động và Trung tâm Đào tạo Bưu chính viễn thông II đã tiến hành ký kết hợp tác để tăng cường phối hợp giữa hai đơn vị. 

PGS-TS Đặng Hoài Bắc đánh giá Báo Người Lao Động là một trong những tờ báo của Việt Nam tiên phong trong việc chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Ra mắt chuyên mục AI 365 trên Báo Người Lao Động điện tử

Hai khóa đào tạo "Ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung báo chí số" vừa qua không chỉ giúp nhà báo, phóng viên, biên tập viên của Báo Người Lao Động có thêm kiến thức, kỹ năng ứng dụng AI vào sản xuất báo chí số, mà còn là tiền đề để báo mở ra những chuyên mục mới với nội dung và cách thức sản xuất có ứng dụng AI.

Từ tháng 7-2024, Báo Người Lao Động chính thức cho ra mắt chuyên mục AI 365 trên Báo Người Lao Động điện tử.

 


Tác giả: Anh Vũ - Phan Anh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
  • :
  • :