Trung Quốc không lo tác động của SVB
Truyền thông Trung Quốc khẳng định vụ sụp đổ ngân hàng ở Mỹ không tác động đến hệ thống tài chính nước này song xem đây là bài học quan trọn
Chuyên gia tài chính nổi tiếng Robert Kiyosaki - từng dự đoán được vụ sụp đổ của ngân hàng Mỹ Lehman Brothers năm 2008, dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - một lần nữa gây xôn xao với nhận định mới nhất.
Trao đổi với kênh Fox Business, chuyên gia người Mỹ nêu đích danh Credit Suisse là ngân hàng tiếp theo đứng bên bờ vực sụp đổ mà nguyên nhân là do "cơn bão hoàn hảo" được tạo nên bởi sự kết hợp giữa thị trường trái phiếu lao dốc và đợt nghỉ hưu sắp tới của thế hệ "baby boomer" (người sinh trong giai đoạn 1946-1964).
Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse là ngân hàng đầu tư lớn thứ tám thế giới, theo trang news.com.au.
"Thị trường trái phiếu lớn hơn thị trường chứng khoán rất nhiều. (…) Trong khi đó, đồng USD đang mất dần thế thống trị, nên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi liên bang đang in thêm tiền để ngăn đồng USD giảm giá" - ông Kiyosaki lập luận.
Chi nhánh ngân hàng Credit Suisse ở Bern - Thụy Sĩ. Ảnh: REUTERS
Dự báo của ông Kiyosaki được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Credit Suisse thừa nhận đã xuất hiện "điểm yếu cơ bản" trong quy trình báo cáo của năm tài chính 2021 và 2022. Ngân hàng đầu tư này đã mất khoảng 8 tỉ franc Thụy Sĩ trong năm 2022.
Dù vậy, giám đốc điều hành của Credit Suisse, ông Ulrich Koerner, khẳng định ngân hàng của ông không bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley (SVB) và sau đó là Signature (đều của Mỹ) - vụ việc khiến cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ FINMA phải theo dõi sát sao.
"Cách hoạt động của hai bên hoàn toàn khác nhau, chúng tôi có các tiêu chuẩn quản lý cao hơn trong lĩnh vực cấp vốn, thanh khoản…" - ông Koerner giải thích với hãng tin Bloomberg.
Tuy nhiên, chính Chủ tịch Axel Lehmann của Credit Suisse đã không nhận khoản tiền thưởng trị giá 1,6 triệu franc Thụy Sĩ vì "tình hình tài chính bết bát" của ngân hàng.
Cùng với nhiều ngân hàng khác trên toàn cầu, cổ phiếu của các ngân hàng Thụy Sĩ giảm mạnh thời gian gần đây. Riêng Credit Suisse, cổ phiếu của họ vừa rớt xuống mức thấp kỷ lục và một vài trái phiếu giảm giá mạnh, khiến nhà đầu tư lo ngại về triển vọng của ngân hàng.
Tại Trung Quốc, tờ Securities Times đăng bài xã luận hôm 15-3 khẳng định vụ việc của SVB không tác động đến hệ thống tài chính nước này song được xem là bài học quan trọng cho ngành ngân hàng của họ.
Bài xã luận viết một vụ sụp đổ kiểu SVB hầu như không có khả năng xảy ra ở Trung Quốc nhưng "các ngân hàng cho vay vừa và nhỏ của nước này có thể học hỏi kinh nghiệm". Cũng theo bài viết, Trung Quốc trong những năm qua đã thanh lọc ngành ngân hàng để giảm thiểu nguy cơ tài chính.
Dù vậy, báo cáo trong tuần này của Công ty GF Securities (Trung Quốc) cho biết các ngân hàng nhỏ của nền kinh tế số hai thế giới dễ gặp rủi ro liên quan đến việc tăng hoặc giảm lãi suất. Reuters cho biết giá trị cổ phiếu của những ngân hàng nhỏ tại Trung Quốc như Lan Châu, Tây An, Hạ Môn… đều kém xa các ngân hàng lớn trong tuần rồi.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s (Mỹ) hôm 15-3 cho biết vẫn duy trì đánh giá "tiêu cực" đối với lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc do tiến trình hồi phục kinh tế chậm chạp.
Kinh tế Trung Quốc không đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2022 do các chính sách chống dịch COVID-19 và trì trệ kéo dài của mảng bất động sản. Theo dữ liệu mới nhất công bố ngày 15-3, tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2023 thấp hơn kỳ vọng trong khi doanh số bán lẻ đúng như dự báo trước đó, còn đầu tư tài sản cố định tốt hơn kỳ vọng.
Moody’s đã thay đổi đánh giá đối với ngân hàng Trung Quốc từ "ổn định" sang "tiêu cực" từ tháng 11 năm ngoái. Theo phân tích của Moody’s, chất lượng tài sản của ngân hàng Trung Quốc gặp nguy cơ do các khoản cho vay kém hiệu quả.
FED vẫn tăng lãi suất?
Hãng tin Reuters cho biết Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang cân nhắc tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % vào tuần tới và một lần nữa vào tháng 5.
Kịch bản trên nhiều khả năng xảy ra sau khi chỉ số lạm phát trong tháng 2 của Mỹ được công bố hôm 14-3, vẫn ở mức cao và những lo ngại về cuộc khủng hoảng ngân hàng đã giảm bớt. Mức lãi suất của FED hiện trong phạm vi 4,5%-4,75%.
Ban đầu, các thị trường tài chính dự đoán FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm %. Nhưng nhận định trên đột ngột thay đổi sau sự sụp đổ của 2 ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature, cùng với động thái bảo đảm an toàn tiền gửi của khách hàng và củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng vào cuối tuần qua của FED cùng các cơ quan quản lý Mỹ.
Ông Andrew Hunter, kinh tế gia cấp cao tại Công ty Nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh), cho rằng các quan chức FED sẽ gấp rút đưa ra tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Lo lắng của ông Hunter có căn cứ khi FED vừa tung ra chương trình cho vay mới (gọi tắt là BTFP) dành cho các ngân hàng nhằm tăng cường thanh khoản của hệ thống tài chính.
Theo Reuters, chương trình cho vay này nhằm ngăn dòng tiền gửi tháo chạy sau sự sụp đổ của SVB và cho phép FED tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nếu cần, mà không làm gia tăng các khoản lỗ từ trái phiếu mà các ngân hàng đang nắm giữ.
Cụ thể, FED sẽ cung cấp cho các ngân hàng khoản vay kỳ hạn một năm với lãi suất bằng với lãi suất của giao dịch hoán đổi chỉ số qua đêm (OIS) kỳ hạn 1 năm cộng thêm 0,1 điểm %. Lãi suất OIS một năm hôm 14-3 là 4,73%.
Ông Lou Crandall, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty Nghiên cứu Thị trường tiền tệ Wrightson (Mỹ), nhận định FED không muốn dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ sớm mà muốn tìm công cụ ổn định tình hình hiện tại. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody›s (Mỹ) cũng cho rằng FED sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ bất chấp khủng hoảng tài chính, qua đó khiến triển vọng kinh doanh của các ngân hàng trong năm nay trở nên u ám.
Xuân Mai