A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành ngoại giao trải qua thử thách lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh kết quả công tác đối ngoại và ngoại giao trong năm 2022, gồm cả những mặt tốt và tồn tại, hạn chế, đã làm sâu sắc hơn các bài học lớn về đối ngoại

Sáng nay 10-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Ngành ngoại giao trải qua thử thách lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác ngành Ngoại giao năm 2022. Ảnh: Baoquocte.vn

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh nhìn lại năm 2022, thế giới đã trải qua những biến động lớn, có những vấn đề ngoài dự báo thông thường, phức tạp và khó khăn hơn trước. Trong đó, nổi lên là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt, xung đột Nga - Ukraine, chạy đua vũ trang, bất ổn chính trị, kinh tế - xã hội gia tăng ở nhiều nước.

Ở trong nước, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, vừa phải khắc phục các yếu kém nội tại, xử lý hệ lụy của dịch COVID-19, vừa phải đối phó với các tác động tiêu cực của biến động thế giới. Trong ngành ngoại giao, nảy sinh vụ việc chưa từng có tiền lệ, tác động đến tâm tư, tình cảm của các thế hệ cán bộ ngoại giao.

"Có thể nói, năm 2022 ngành ngoại giao đã trải qua thử thách, khó khăn lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây" - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định.

Trong bối cảnh đó, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngành ngoại giao đã đoàn kết, đồng lòng với quyết tâm và nỗ lực vượt bậc, phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao "cây tre Việt Nam", phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân và các cấp, các ngành, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó với kết quả toàn diện và quan trọng.

Một cách khái quát, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Hội nghị của Chính phủ với địa phương, thành tựu trên mặt trận đối ngoại và ngoại giao trong năm qua là "một điểm sáng" trong thành tựu chung của đất nước.

Ngành ngoại giao trải qua thử thách lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây - Ảnh 2.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết công tác ngành Ngoại giao năm 2022. Ảnh: Baoquocte.vn

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng thẳng thắn chỉ rõ bên cạnh kết quả đạt được, ngành ngoại giao vẫn còn những tồn tại, hạn chế do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Việc phát hiện, nắm bắt thời cơ, vận hội chưa thực sự nhạy bén. Công tác nghiên cứu, dự báo đối ngoại có nơi, có lúc còn chưa kịp thời. Sự phối hợp trong ngành ngoại giao và giữa ngành ngoại giao với các ngành, các cấp có lúc, có việc còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Tư duy, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ ngoại giao chưa theo kịp yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Một số cơ chế, chính sách còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại...

Kết quả công tác đối ngoại và ngoại giao trong năm 2022, gồm cả những mặt tốt và tồn tại, hạn chế, đã làm sâu sắc hơn các bài học lớn về đối ngoại như Tổng Bí thư đã khái quát tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc, đồng thời giúp ngành ngoại giao trưởng thành, bản lĩnh hơn và tích lũy thêm những bài học kinh nghiệm có giá trị. 

Ngành ngoại giao gìn giữ, phát huy bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam"; trước những diễn biến, tình huống phức tạp, khó khăn, thử thách, cần luôn bình tĩnh, sáng suốt, khôn khéo, xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại trên cơ sở kiên định độc lập, tự chủ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, tôn trọng luật pháp quốc tế; đồng thời, uyển chuyển, linh hoạt, đổi mới sáng tạo trong sách lược, thích ứng với tình hình mới, nhạy bén nắm bắt cơ hội, "biến nguy thành cơ".

Tăng cường nghiên cứu, dự báo, tham mưu đối ngoại, đánh giá đúng tình hình, "biết mình, biết người", "biết thời, biết thế" để luôn giữ vững thế chủ động, "biết cương, biết nhu", "biết tiến, biết thoái" trước diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình.

Luôn đặc biệt coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ trong ngành ngoại giao; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; tăng cường kiểm tra, giám sát.

Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025.

Cùng với đất nước, ngành ngoại giao đang bước sang giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động, với quyết tâm cao xây dựng ngành ngoại giao thực sự trong sạch, vững mạnh, toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp.

Bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ngành ngoại giao cùng với các ngành, các cấp triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động đối ngoại và ngoại giao, phát huy vai trò tiên phong giữ vững môi trường, hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, tranh thủ tốt thời cơ, vận hội và huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển nhanh, bền vững đất nước, nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

"Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nói trên, bên cạnh quán triệt sâu sắc phương châm của Chính phủ là "đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả", ngành ngoại giao cũng quán triệt phương châm phát huy cao nhất tinh thần tận tụy phụng sự Đảng, Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ các ngành, các cấp, các địa phương và doanh nghiệp trong triển khai đối ngoại, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế- xã hội" - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :