TP HCM ra quy chế đảm bảo an toàn tuyến Metro số 1
Các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được tin báo về tai nạn giao thông đường sắt đô thị phải có trách nhiệm đến ngay hiện trường để giải quyết.
UBND TP HCM vừa ban hành Quyết định 4630 về Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên (Metro số 1).
Nguyên tắc phối hợp là khi xảy ra tai nạn giao thông trong phạm vi tuyến metro số 1, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác vận hành đường sắt đô thị phải phối hợp các cơ quan chuyên ngành giải quyết bảo đảm an toàn, khôi phục nhanh chóng và kịp thời.
Bí thư Thành ủy thành phố Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Trần Kim Yến (thứ 2, 3, 4 từ phải sang) tại buổi Metro số 1 chạy thử nghiệm; Ảnh: Nguyễn Phan
Phải tổ chức cứu giúp ngay đối với người bị nạn, tổ chức bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và người bị nạn.
Các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được tin báo về tai nạn giao thông đường sắt đô thị phải có trách nhiệm đến ngay hiện trường để giải quyết. Không được gây trở ngại cho việc khôi phục giao thông vận tải đường sắt đô thị sau khi xảy ra tai nạn.
Khi có sự cố, tai nạn giao thông đường sắt thì phải thành lập ngay Hội đồng giải quyết. Đối với sự cố, tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng trở xuống, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 thành lập Hội đồng giải quyết sự cố. Từ rất nghiêm trọng trở lên, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 báo cáo Chủ tịch UBND thành phố quyết định thành lập Hội đồng giải quyết.
Chậm nhất sau 3 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra sự cố, tai nạn giao thông đường sắt đô thị phải thành lập Hội đồng phân tích sự cố, tai nạn giao thông đường sắt đô thị.
Công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ do Công an thành phố chủ trì. Các cơ quan tham gia phối hợp gồm: Bộ Tư lệnh thành phố; Lực lượng Thanh niên xung phong; UBND quận 1, Bình Thạnh, TP Thủ Đức; Sở Y tế; Sở Giao thông vận tải; Ban Quản lý Đường sắt đô thị; Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 và các cơ quan khác có liên quan (theo yêu cầu, phương án của Công an thành phố).
Các cơ quan, đơn vị tham gia xử lý sự cố, tai nạn phải phối hợp thu dọn hiện trường trong thời gian nhanh nhất; ngăn chặn lây lan hóa chất độc hại, khí độc (nếu có); tiêu độc, khử trùng, phòng dịch, vệ sinh môi trường tại khu vực xảy ra sự cố, tai nạn.
Metro số 1 dài gần 20 km, từ ga Bến Thành (quận 1) đến Depot Long Bình (TP Thủ Đức) với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Đây là tuyến metro đầu tiên ở TP HCM, có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Toàn dự án hiện đạt hơn 93% khối lượng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2023.
Cuối tháng 12-2022, Ban Quản lý Đường sắt đô thị số 1 đã cho chạy thử nghiệm một nửa đoạn trên cao và sẽ thử đoạn còn lại trong quý 1 hoặc 2 năm 2023. Đầu quý 3-2023, tàu sẽ chạy thử trên toàn tuyến.
Sau đó, chủ đầu tư sẽ khai thác thử, tức cho tàu chạy với đầy đủ nhân viên và vận hành như chạy thật. Tàu sẽ được đưa vào sử dụng sau khi Hội đồng nghiệm thu nhà nước thông qua.