Du lịch tăng tốc thu hút khách quốc tế
Trong nỗ lực thu hút khách quốc tế, nhiều doanh nghiệp và địa phương trên cả nước đã và đang triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam của khách quốc tế đang tăng cao. Trong đó, tốp 10 địa điểm được tìm kiếm nhiều nhất gồm: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Huế (Thừa Thiên - Huế), Quy Nhơn (Bình Định) và Phan Thiết (Bình Thuận).
Khách quốc tế chưa đạt 50% kế hoạch
Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch Google Destination Insights cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về cơ sở lưu trú tại Việt Nam trong tháng 10-2022 tiếp tục tăng, cao hơn khoảng 20% so với tháng 9-2022 và cao gấp 11 lần so với tháng 3-2022. Tốp 10 quốc gia có du khách tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam gồm: Mỹ, Úc, Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Malaysia, Thái Lan và Đức.
Đặt mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022 nhưng đến thời điểm này, Việt Nam mới đón trên 2,3 triệu lượt (chưa đạt 50%). Tổng cục Du lịch cho hay tính riêng trong tháng 10-2022, cả nước đón khoảng 485.000 lượt khách quốc tế, tăng 12,1% so với tháng trước.
Thống kê cũng cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay chủ yếu vẫn từ thị trường châu Á (chiếm 70%), trong đó Hàn Quốc đóng góp hơn 37%, Đông Nam Á đóng góp gần 35%. Hiện khách châu Âu đến Việt Nam mới đạt khoảng 320.000 lượt, chiếm 13,7%.
Tổng cục Du lịch và các doanh nghiệp tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại WTM London 2022. Ảnh: THÚY HÀ
Lý giải vì sao lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua còn hạn chế, các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là việc Trung Quốc - thị trường chính chiếm hơn 32% lượng khách vào Việt Nam trước dịch - vẫn chưa mở cửa. Ngoài ra, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng làm ảnh hưởng đến lượng khách Nga cũng như nguồn khách từ châu Âu, vốn đứng thứ hai trước dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, như: áp lực giá cả dịch vụ tăng cao, chất lượng phục vụ chưa tương ứng, tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên nghiệp ở các cơ sở lưu trú, dịch vụ. Lợi thế cạnh tranh trong việc cấp thị thực, thời gian lưu trú của Việt Nam cũng chưa thuận lợi hơn so với nhiều quốc gia khác. Chính sách miễn thị thực đơn phương, cấp visa điện tử đã được triển khai nhưng tính cạnh tranh chưa cao.
Do vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, du lịch Việt Nam cần có thêm các chương trình xúc tiến tại nước ngoài, tìm kiếm nguồn khách ở các thị trường mới cũng như tăng cường các đường bay mới. Thời gian qua, Phú Quốc liên tục đón các chuyến bay từ châu Âu và các nước Trung Á. Khánh Hòa cũng có nhiều chương trình quảng bá và các buổi hội thảo với đối tác nước ngoài để mở rộng thị trường khách ở Hàn Quốc; tìm nguồn khách mới từ Kazakhstan, Ấn Độ...
"Sống trọn vẹn ở Việt Nam"
Để thu hút du khách quốc tế, ngành du lịch đang đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá. Tại Hội chợ Du lịch thế giới - World Travel Market (WTM) 2022 được tổ chức ở London - Anh mới đây, đoàn Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá, giao lưu, gặp gỡ, họp báo giới thiệu du lịch nước ta.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho hay tại WTM London 2022, 23 tập đoàn, doanh nghiệp (DN) du lịch hàng đầu cùng đại diện nhiều địa phương có điểm đến nổi tiếng của Việt Nam đã gặp gỡ báo chí và DN nước ngoài, làm việc với các đối tác, giới thiệu Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề "Bình Thuận - Hội tụ xanh"...
Đoàn du lịch Việt Nam cũng nỗ lực quảng bá, tuyên truyền về sự cởi mở, an toàn, hấp dẫn và chất lượng của du lịch nước ta với thông điệp "Live fully in Vietnam" (Sống trọn vẹn ở Việt Nam). Các thông tin về chính sách đón khách, visa,… cũng được tuyên truyền mạnh mẽ như: không yêu cầu chứng nhận tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, xét nghiệm, cách ly, khai báo y tế; khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh như trước khi có dịch.
Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist là một trong những DN du lịch tham gia WTM London 2022. Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Ban Tiếp thị và Truyền thông - Lữ hành Saigontourist, cho biết công ty đã tổ chức hơn 50 cuộc gặp gỡ các đối tác, DN truyền thông quốc tế nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam hấp dẫn, thân thiện, chất lượng, an toàn đến với khách du lịch tại thị trường Anh và cả châu Âu
Cũng tại WTM London 2022, Việt Nam tập trung quảng bá đến bạn bè quốc tế các dòng sản phẩm chủ đạo gồm: du lịch biển, du lịch tự nhiên, du lịch văn hóa, du lịch thành phố cùng nhiều sản phẩm bổ trợ.
Nhiều hoạt động hấp dẫn
Sở Du lịch TP HCM cho biết trong 10 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch thành phố đã đón hơn 2 triệu lượt khách quốc tế. Để tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn với khách du lịch, một loạt sự kiện du lịch, thể thao, âm nhạc sẽ được tổ chức từ nay tới cuối năm. Trong đó, điển hình là Giải Marathon quốc tế TP HCM Techcombank mùa thứ 5 diễn ra từ ngày 9 đến 11-12.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết giải marathon này sẽ góp phần quảng bá du lịch thành phố khi cung đường chạy đẹp, qua những biểu tượng văn hóa du lịch và cầu Thủ Thiêm 2 vừa được khánh thành. Sự kiện này nằm trong chuỗi các hoạt động chào đón năm mới như: Tuần lễ Du lịch, Tôn vinh Di tích Cột cờ Thủ Ngữ, Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP HCM lần 2 - Hò dô 2022, Ngày hội Khinh Khí cầu TP HCM lần 2.
Tại Đà Nẵng, ngày 13-11, Liên doanh Cửa hàng miễn thuế dưới phố (Downtown Duty free) đầu tiên ở Việt Nam đã mở cửa đón khách. Đây là cửa hàng miễn thuế liên doanh giữa tập đoàn kinh doanh miễn thuế Lotte và Công ty thành viên IPPG của ông Johnathan Hạnh Nguyễn để phục vụ khách du lịch quốc tế tại Việt Nam.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết Cửa hàng miễn thuế dưới phố Lotte quy tụ hơn 200 thương hiệu đẳng cấp thế giới với đa dạng các ngành hàng như Christian Dior, Y.S.L, Gucci, Longiness, Tissot, Michael Kors, Coach... Ở đây cũng có cả những thương hiệu nổi tiếng trong nước nhằm góp phần quảng bá văn hóa và sản phẩm của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Thị trường khách Ấn Độ tăng trưởng ấn tượng
Trong tháng 10-2022, Việt Nam đón 20.681 lượt khách từ Ấn Độ, tăng 38% so với tháng trước và cao hơn 25,8% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả này đạt được là nhờ du lịch Việt Nam tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá tới thị trường Ấn Độ. Nhiều đường bay thẳng giữa các thành phố lớn của 2 nước được kết nối và mở rộng. Với việc tăng cường các chuyến bay kết nối các thành phố lớn giữa 2 nước, Ấn Độ sẽ là thị trường khách đầy tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Tổng cục Du lịch, các điểm đến của Việt Nam được du khách Ấn Độ tìm kiếm nhiều gồm: Hà Nội, TP HCM, Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn...
Ông TRẦN ĐOÀN THẾ DUY, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel:
Du lịch cuối năm hứa hẹn sôi động
Sau khi hợp nhất với các công ty con và công ty liên kết, lợi nhuận trong quý III/2022 của Vietravel đạt gần 7 tỉ đồng. Kết quả này cho thấy Vietravel hoàn toàn có thể cân bằng giữa hoạt động du lịch và hàng không. Kết quả đó cũng phản ánh sự hồi phục mạnh mẽ của Vietravel nói riêng, ngành du lịch và hàng không Việt Nam nói chung.
Dự báo từ nay đến cuối năm 2022, ngành du lịch và hàng không tiếp tục có nhiều diễn biến thuận lợi với các sự kiện như: Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch… Việc một số nước hoàn toàn mở cửa du lịch trùng với các sự kiện này hứa hẹn sắp tới là một mùa du lịch cao điểm không khác gì mùa du lịch hè sôi động vừa qua.
Ông JOHNATHAN HẠNH NGUYỄN, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương:
Cần thêm nhiều mô hình mua sắm, giải trí
Muốn đón thêm nhiều khách quốc tế, Việt Nam cần những mô hình mua sắm, vui chơi giải trí đa dạng để thu hút và cạnh tranh với các nước trong khu vực. Những mô hình như cửa hàng miễn thuế dưới phố, khu mua sắm cao cấp hàng hiệu, khu mua sắm giảm giá (factory outlet) và khu vui chơi giải trí có thương hiệu quốc tế... là những sản phẩm luôn hấp dẫn du khách.
Sau khi mở cửa hàng miễn thuế dưới phố, chúng tôi sẽ lần lượt xem xét đầu tư các dự án còn lại trong thời gian tới, nhằm đem lại lợi ích về tăng trưởng bán lẻ du lịch, thu hút nhiều du khách phân khúc cao cấp, đưa thêm khách du lịch của các tập đoàn kinh doanh miễn thuế lớn trên thế giới mạnh tay chi tiêu mua sắm đến Việt Nam, tăng thời gian lưu trú cho du khách; đồng thời hỗ trợ cộng hưởng tăng trưởng các ngành kinh doanh khác ở Việt Nam.