A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công viên rừng ngập mặn giữa thành phố

Phương án giữ lại khu rừng ngập mặn theo hướng tái tạo, chỉnh trang hai bên bờ sông sẽ tạo ra một khu sinh thái đẹp, độc đáo giữa lòng TP Phan Thiết

Có thể nói khu rừng ngập mặn nằm giữa lòng thành phố là "báu vật" của thiên nhiên ban tặng, được nhiều thế hệ người dân nơi đây gìn giữ như "lá phổi xanh" cho mình. Tốc độ phát triển đô thị trong những năm gần đây đe dọa sự tồn tại của khu rừng khi có chủ trương xây dựng khu đô thị ngay trong khu vực rừng ngập mặn này khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Giữ nguyên, không xây khu đô thị

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận vừa có báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận về phương án điều chỉnh quy hoạch, đầu tư, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn tại khu vực công viên Hùng Vương, thay cho phương án xây dựng khu đô thị trong công viên trước đó.

Trong các phương án trình Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất lựa chọn phương án 1, trong đó giữ nguyên khu rừng ngập mặn khi xây dựng công viên Hùng Vương (thuộc 2 phường Phú Thủy và Thanh Hải, TP Phan Thiết). Trong phương án này, hệ sinh thái rừng ngập mặn, bao gồm hệ thống cây xanh mặt nước nguyên trạng được cải tạo và xử lý ô nhiễm môi trường. Các công trình kiến trúc cảnh quan được phát triển đan cài trong tổng thể đất cây xanh và mặt nước, định hướng dựa trên hệ sinh cảnh tự nhiên của khu vực.

Trong tổng diện tích 32,36 ha của khu vực công viên Hùng Vương, UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất phát triển thêm các công trình văn hóa, quảng trường xung quanh hệ sinh thái rừng ngập mặn. Trong đó, khu công trình văn hóa có chức năng là không gian cho các hoạt động tập trung đông người, các lễ hội và sự kiện văn hóa...

Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Thuận, phương án này được xem là tối ưu trong số các phương án quy hoạch công viên Hùng Vương trên nền khu rừng ngập mặn.

Phương án trên của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận đang chờ Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận cho ý kiến. Nếu được triển khai, người dân TP Phan Thiết và du khách gần xa sẽ sớm có khu công viên rừng ngập mặn độc đáo ngay giữa lòng thành phố. Công viên Hùng Vương khi đưa vào hoạt động sẽ giữ được hệ sinh thái ngập nước nguyên thủy, với hàng trăm chim, cò… trú ngụ dưới các tán cây đước, tràm, sú cao 3-4 m của khu rừng ngập mặn.

Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, nhận định việc thực hiện quy hoạch khu dân cư tại đây sẽ khiến TP Phan Thiết mất đi một khu rừng ngập mặn tái sinh hiếm hoi, lớn nhất còn sót lại ở địa phương này. Trong khi đó, phương án giữ lại khu rừng theo hướng tái tạo, chỉnh trang hai bên bờ sông sẽ tạo ra một khu sinh thái đẹp giữa lòng TP Phan Thiết, ngay bên tuyến đường chính đi ra Khu Du lịch quốc gia Mũi Né. Phương án này cũng sẽ giúp TP Phan Thiết có thêm một khu công viên tự nhiên - du lịch sinh thái cộng đồng làm nơi giáo dục cho học sinh, sinh viên, người dân về ý thức bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên…

Công viên rừng ngập mặn giữa thành phố - Ảnh 1.

Khu rừng ngập mặn nằm giữa TP Phan Thiết nhìn từ trên caoẢnh: Đình An

Chủ trương đúng

Anh Nguyễn Văn Hùng (phường Phú Hài, TP Phan Thiết) người dân chuyên khai thác các sản vật bên trong khu rừng ngập mặn Phú Hài cho biết rất vui mừng trước việc rừng ngập mặn của TP Phan Thiết được giữ lại. Theo ông Hùng, nơi đây vốn là đìa tôm bị bỏ hoang lâu năm; nhiều loại cây đước, tràm, sú… cao từ 3-5 m, tán rộng phát triển mạnh tạo nên hệ sinh thái trù phú. Bên dưới các tán cây, chim, cò về trú ngụ cùng với tôm đất, cá, các loài nhuyễn thể sinh sôi dưới những con lạch nhỏ. "Nhiều gia đình bám trụ, mưu sinh được là nhờ khai thác sản vật từ những con lạch nhỏ trong khu rừng. Cứ chiều tối hàng ngàn con chim lại kéo về, tạo nên khung cảnh bình yên giữa thành phố, không phải nơi đâu cũng có" - ông Hùng phấn khởi.

Theo các chuyên gia về môi trường, chủ trương quy hoạch công viên Hùng Vương trên nền khu rừng ngập mặn không chỉ bảo vệ hệ sinh thái đa dạng mà còn góp phần chống xói lở, cải tạo môi trường một phần của TP Phan Thiết. Với hệ thống thủy triều dâng rút thường xuyên, khu rừng ngập mặn còn có chức năng nạp và điều tiết nước ngầm, hạn chế lũ lụt, chắn gió, chống xói lở…

"Khi công viên Hùng Vương được triển khai, khu rừng ngập mặn sẽ trở thành địa điểm tham quan tuyệt đẹp. Trong đó, với hệ thống sinh thái rừng ngập mặn sẵn có sẽ tạo nên lá phổi xanh, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu" - lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận tin tưởng. 

Trước đây, theo phê duyệt của UBND tỉnh Bình Thuận tại Quyết định 1616/QĐ-UBND ngày 13-7-2020, toàn bộ khu đất rừng ngập mặn này sẽ được chia làm 2 khu vực: Xây dựng khu dân cư (gần 10 ha) và khu công viên (hơn 22 ha). Trong đó, nhà nước sẽ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với gần 10 ha khu vực xây dựng khu dân cư để tái đầu tư thực hiện khu vực công viên. Nếu triển khai phương án này thì khu rừng ngập mặn sẽ bị xóa sổ. Tuy nhiên, sau chuyến khảo sát vào tháng 4-2021, ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cho rằng cần nghiên cứu lại phương án xây dựng khu đô thị mới kết hợp công viên tại đây.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :