Giới siêu giàu tăng mạnh
Báo cáo Bất bình đẳng Toàn cầu (WIR) do tổ chức World Inequality Lab thực hiện cho biết, giá trị tài sản mà các tỷ phú trên thế giới sở hữu trong năm 2021 chiếm 3,5% giá trị tài sản toàn cầu, cao hơn nhiều so với mức 2% khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020
Ông Juerg Steffen, Giám đốc điều hành của Henley & Partners, nhận định với đài CNBC hôm 17-9 rằng Mỹ và Trung Quốc đang trải qua thời kỳ bùng nổ của người siêu giàu, vượt trội đáng kể so với châu Âu.
Đáng chú ý, nhóm người siêu giàu tại Trung Quốc tăng đến 108% lên 2.350 người, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp. Ông Andrew Amoils, chuyên gia của New World Wealth, lưu ý nhóm người siêu giàu ở Trung Quốc chủ yếu tăng mạnh trong giai đoạn 2013-2020.
Kể từ năm 2020, con số này chỉ tăng khoảng 10%. Dù vậy, Henley & Partners nhận định các thành phố như Hàng Châu và Thâm Quyến vẫn có thể trở thành trung tâm công nghệ mới nổi, nằm trong danh sách các thành phố "có tiềm năng tăng trưởng vượt bậc trên 150%" về số người siêu giàu năm 2040.
Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục giữ vị thế quốc gia hàng đầu về số lượng người siêu giàu. Nhóm này được dự báo tăng hơn 50% tại các thành phố như New York, Los Angeles và San Francisco. Trong số này, New York hiện đứng đầu danh sách 50 thành phố có nhiều người siêu giàu nhất trên thế giới (744 người).
Danh sách này cũng ghi nhận sự tăng hạng của các thành phố ở châu Á. Chẳng hạn như thủ đô Bắc Kinh và TP Thượng Hải của Trung Quốc lần lượt đứng thứ 5 (347 người) và thứ 7 (322 người) trong khi Singapore thứ 6 (336 người).
Ngoài ra, báo cáo lưu ý dân số siêu giàu tại một số thành phố ở châu Á và Trung Đông dự kiến tăng trưởng đến 150% vào năm 2040, như Dubai, Abu Dhabi (đều của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất), Bengaluru - Ấn Độ.
Trong khi đó, một số tên tuổi như Zurich - Thụy Sĩ, Chicago - Mỹ, Moscow - Nga và Madrid - Tây Ban Nha chứng kiến mức tăng trưởng chưa đến 50% về dân số siêu giàu vào năm 2040.