A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá đất TPHCM sắp tăng đột biến, Sở TN-MT nói ‘không làm tăng giá bất động sản’

Theo Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, bảng giá đất mới sẽ phản ánh đúng và đủ giá giao dịch trên thị trường, không làm tăng giá bất động sản.

Dự thảo được lấy ý kiến theo quy trình rút gọn 9 ngày 

Chiều 29/7, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin liên quan đến dự thảo quyết định điều chỉnh bảng giá đất năm 2020 đang được người dân quan tâm. 

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, Luật Đất đai năm 2024 sắp áp dụng có quy định, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo luật cũ được tiếp tục áp dụng đến hết năm 2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. 

Căn cứ quy định này, UBND TPHCM xét thấy bảng giá đất năm 2020 không còn phù hợp. Ngoài ra, cần phải ban hành giá đất tái định cư theo pháp luật đất đai mới. 

Do vậy, đầu tháng 7/2024, UBND TPHCM giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương xây dựng dự thảo điều chỉnh bảng giá đất. 

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN-MT TPHCM (bìa trái), phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Ngọc Thanh

“Sau khi có chủ trương, Sở TN-MT tham mưu ngay kế hoạch để triển khai. Bảng giá đất mới sẽ không còn hệ số điều chỉnh mà chỉ có một khung giá duy nhất. TPHCM không làm riêng mà các tỉnh thành trên cả nước đều thực hiện”, ông Thắng nói. 

Trước câu hỏi vì sao Sở TN-MT lấy ý kiến dự thảo điều chỉnh bảng giá đất chỉ trong vòng 9 ngày và nếu thông qua sẽ áp dụng ngay từ 1/8 tới đây, ông Thắng cho hay, Sở TN-MT thực hiện theo quy trình rút gọn, được UBND TP chấp thuận. 

Theo ông Thắng, bảng giá đất mới được xây dựng trên cơ sở dữ liệu giao dịch giá đất trên thị trường. Dữ liệu này được thu thập từ các cục thuế hay các văn phòng đăng ký đất đai, sau đó đơn vị tư vấn sẽ cân chỉnh và cuối cùng là lấy ý kiến các đơn vị liên quan.

Về tác động, theo Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, bảng giá đất mới khi áp dụng sẽ mang lại nhiều thuận lợi. Giá bồi thường và giá đất tái định cư đều căn cứ vào bảng giá đất mới này. Giao dịch bất động sản cũng trở nên minh bạch hơn, không còn mua bán nhà “hai giá”, Nhà nước không bị thất thu ngân sách. 

'Không làm tăng giá bất động sản'

Nói về ý kiến cho rằng, điều chỉnh bảng giá đất sẽ góp phần làm tăng giá bất động sản, ông Nguyễn Toàn Thắng cho hay thông tin này không đúng. Trước đây, giá giao dịch bất động sản cao hơn nhiều so với bảng giá đất của Nhà nước. Trong khi đó, bảng giá đất dự kiến điều chỉnh sẽ cập nhật theo giá giao dịch thực tế trên thị trường. 

“Bảng giá đất mới sẽ phản ánh đúng và đủ giá giao dịch trên thị trường. Tuy nhiên, bước đầu, Sở TN-MT đưa ra mức giá tiệm cận với giá thị trường để sau đó còn điều chỉnh cho phù hợp”, ông Thắng khẳng định. 

Về vấn đề này, đại diện Phòng Kinh tế đất, Sở TN-MT TPHCM cho rằng, bảng giá đất mới không ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của dự án nên không làm tăng giá bất động sản. Ngoài ra, cần lưu ý là giá bất động sản hoạt động theo quy luật cung - cầu. 

Đối với những trường hợp người dân nộp hồ sơ thủ tục đất đai trước ngày 1/8 năm nay, đại diện Sở TN-MT TPHCM cho biết, cơ quan Nhà nước sẽ tính giá đất tại thời điểm nhận được đầy đủ hồ sơ. 

Như chúng tôi đã thông tin, Sở TN-MT TPHCM đang lấy ý kiến dự thảo quyết định điều chỉnh bảng giá đất năm 2020 theo hướng tăng giá các loại đất, từng bước đưa giá đất tiệm cận giá thị trường. 

Nếu được thông qua, bảng giá đất dự kiến điều chỉnh sẽ áp dụng từ ngày 1/8 đến hết năm nay. Giá đất điều chỉnh được cập nhật đến 4.565 tuyến đường trên địa bàn thành phố, tăng 557 tuyến đường so với hiện hành. 

Đối với đất nông nghiệp, so với bảng giá đất năm 2020, bảng giá đất dự kiến điều chỉnh vẫn giữ nguyên cách phân chia khu vực và vị trí đất. 

Về mức giá, trong khi bảng giá đất năm 2020 quy định giá các loại đất thuộc đất nông nghiệp theo 3 vị trí và 3 khu vực thì bảng giá đất dự kiến điều chỉnh quy định giá theo 3 vị trí tại từng quận, huyện. 

Áp dụng phương pháp định giá mới, giá các loại đất thuộc đất nông nghiệp tại các quận, huyện đều tăng đột biến. Đơn cử như đất trồng cây hàng năm tại vị trí 1 của Q.Gò Vấp, trước đây có giá 250.000 đồng/m2 thì nay được điều chỉnh tăng lên 8,6 triệu đồng/m2. 

Đối với đất ở, giá dự kiến điều chỉnh tăng mạnh so với bảng giá đất năm 2020. Mức tăng trung bình từ 5 - 10 lần so với giá trước đây có Q.1, Q.3, Q.5, Q.6, Q.8, Q.10, Q.11, Q.Phú Nhuận, Q.Tân Bình, Q.Gò Vấp và Q.Bình Thạnh. 

Các quận, huyện có giá đất ở tăng trung bình từ 10 - 20 lần so với trước gồm Q.4, Q.7, Q.12, Q.Tân Phú, Q.Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và TP Thủ Đức.

Đặc biệt, giá đất ở tại huyện Hóc Môn có mức tăng trung bình 22 lần so với trước đây. Giá đất ở cao nhất huyện này thuộc về đường Lê Lai, nếu như trước đây có giá 6,23 triệu đồng/m2 thì nay dự kiến điều chỉnh tăng lên 87 triệu đồng/m2. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :