Bình Dương đấu giá 117 khu đất "đắc địa" thế nào?
Trong 2 ngày 22 và 23-7, đã diễn ra Kỳ họp thứ 16 - HĐND tỉnh Bình Dương khóa X. Trước lễ khai mạc, các đại biểu đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Kỳ vọng đề án tạo nguồn thu từ đất
Tại phiên trả lời chất vấn của các đại biểu về những giải pháp để khai thác nguồn lực từ đất tạo nguồn thu phục vụ phát triển của tỉnh, ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, cho biết Sở đã xây dựng Đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cho giai đoạn 2024 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Hiện đang được UBND tỉnh xem xét phê duyệt Đề án.
Theo đó, Đề án gồm tổng số 117 khu đất, với diện tích khoảng 22.202 ha trên địa bàn 9/9 huyện, thành phố; việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo 2 cơ chế là đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất.
Sau khi UBND cấp huyện phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu đất và UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án đối với từng khu đất, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt phương án đấu giá ngay và chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện các thủ tục để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định.
Liên quan đến công tác đấu giá quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và chậm tiến độ, ông Ngô Quang Sự cho hay để đẩy nhanh công tác đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tạo nguồn thu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng với các sở, ngành và UBND cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ được giao để triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất và xây dựng Đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2024-2025 và định hướng đến năm 2030.
Ông Sự cho rằng trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh những thuận lợi, cũng gặp một số khó khăn như sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng), tiến độ thực hiện công tác lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu đất còn chậm. Việc này dẫn đến tại thời điểm hiện nay chưa tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất của khu đất nào nên có thể ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch nguồn thu nộp vào ngân sách của tỉnh năm 2024.
Theo ông Sự, để đẩy nhanh các bước chuẩn bị, đảm bảo tiến độ triển khai đấu giá quyền sử dụng đất năm 2024 tạo nguồn thu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố sớm hoàn chỉnh công tác lập (điều chỉnh), thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 các khu đất được giao.
Sở Xây dựng và UBND cấp huyện lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư đối với các khu đất được giao, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án.
Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi Trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, UBND các huyện, thành phố xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có phương án sử dụng đất, trình UBND tỉnh phê duyệt phương án; thực hiện các thủ tục theo quy định và tổ chức cuộc đấu giá.
Theo ông Ngô Quang Sự, từng khâu, từng việc trong công tác đấu giá cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và UBND huyện, thành phố nơi có đất, do đó đòi hỏi tất cả các đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng thời hạn.
Trước đó, trao đổi với PV Báo Người Lao Động, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết để thực hiện một số dự án trọng điểm, tỉnh cần 3 nguồn vốn gồm vốn xã hội hóa, vốn nhà nước và vốn địa phương. Riêng về giải pháp bố trí vốn của địa phương, tỉnh đang xây dựng phương án đấu giá đất, nếu thực hiện suôn sẻ thì sẽ có nguồn thu từ đất. Tuy nhiên, thị trường bất động sản đang gặp khó khăn nên việc đấu giá sẽ mất nhiều thời gian nhưng tỉnh vẫn sẽ cố gắng làm.
Nhiều kết quả tích cực
Báo cáo tại kỳ họp, UBND tỉnh Bình Dương thông tin tình hình kinh tế - xã hội đạt được một số kết quả tích cực. Trong số 36 chỉ tiêu chủ yếu, đến nay hầu hết các chỉ tiêu đều đạt từ 50% kế hoạch trở lên, trong đó có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,19% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 3,55%); trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 5,81%; dịch vụ tăng 7,36%; lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,29%.
Hoạt động sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh dần phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,63% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 2,65%). Tỉnh đã tổ chức động thổ xây dựng Cụm công nghiệp An Lập (75 ha); đang nghiên cứu đầu tư khu công nghiệp cơ khí, khu công nghệ thông tin tập trung..., phục vụ thu hút các ngành cơ khí ô tô và phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 166.000 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,2%); kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 16,3 tỉ USD, tăng trên 10% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 19%), kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 11,5 tỉ USD, tăng gần 10% (cùng kỳ giảm 17%).
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện gần 69.000 tỉ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm là gần 4.300 tỉ đồng, đạt khoảng 20% kế hoạch HĐND tỉnh giao và đạt 28% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đầu tư trong nước đã thu hút được gần 30 tỉ đồng vốn đăng ký kinh doanh (tăng 7,5% so với cùng kỳ). Đầu tư nước ngoài đã thu hút được 825 triệu USD (đạt 85% so với cùng kỳ).
Ước thu ngân sách 6 tháng đầu năm được gần 35.500 tỉ đồng, đạt 50% dự toán HĐND tỉnh thông qua và đạt 55% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 12% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách ước thực hiện gần 7.600 tỉ đồng, đạt 25% dự toán, bằng với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển trên 3.000 tỉ đồng, chiếm 40%.
Tiến độ thi công đường Vành đai 3 - TP HCM, thủ tục đầu tư đường Vành đai 4 - TP HCM, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành được khẩn trương thực hiện.
Bình Dương cũng đang tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.