Định danh người bán, siết chặt hàng lậu trên sàn thương mại điện tử
TikTok Shop và các nền tảng thương mại điện tử sẽ triển khai loạt biện pháp để minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm, loại bỏ hàng kém chất lượng, nâng cao niềm tin của người dùng.
Hàng chính hãng tăng trưởng bứt phá
Chia sẻ tại sự kiện TikTok Shop Vietnam Summit 2025, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cho biết trong năm 2024, toàn nền tảng đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những động lực quan trọng đến từ sự lớn mạnh của hệ thống cửa hàng chính hãng (TikTok Shop Mall).
Năm qua, TikTok Shop ghi nhận sự có mặt của gần 2.400 thương hiệu và nhà phân phối chính hãng, chạm mốc tăng trưởng gần 3 lần so với năm 2023. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, TikTok Shop đã có thêm 1.600 gian hàng chính hãng mới gia nhập. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này cho thấy xu hướng chuyển dịch trong thói quen mua sắm của người dùng. Khách hàng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của sản phẩm chứ không đơn thuần là giá bán và mẫu mã như trước đây.
Xu hướng mua sắm trực tuyến của người dùng trên TikTok Shop. (Ảnh: Thành Nam)
Xu hướng này cũng được thể hiện rõ qua những thống kê của chiến dịch “An Tâm Vui Sắm” do TikTok Shop phối hợp cùng Tạp chí Công Thương thực hiện. Chiến dịch hướng mục tiêu nâng cao nhận thức về quyền lợi của người tiêu dùng, khuyến khích nhà bán hàng và nhà sáng tạo tuân thủ tiêu chuẩn minh bạch, có trách nhiệm đã tạo ra gần 15.000 video, thu hút gần 400 triệu lượt quan tâm chỉ sau 3 tháng triển khai.
Hàng xách tay, chất lượng thấp sắp hết đất sống
Chia sẻ về tương lai thương mại điện tử của Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số, Bộ Công Thương, cho biết sắp tới Luật Thương mại điện tử sẽ tác động trực tiếp đến người bán hàng, sàn thương mại điện tử. Mục đích cuối cùng là bảo vệ quyền lợi cao nhất cho người tiêu dùng.
Cụ thể, dự thảo luật sẽ yêu cầu nền tảng thương mại điện tử phải định danh tài khoản người bán. Sàn cũng phải minh bạch các thông tin về nhà bán hàng, hạn chế một người tạo nhiều tài khoản kinh doanh như trước. Ngoài ra phía bán cũng phải cung cấp nhiều thông tin chi tiết hơn về các tiêu chuẩn, quy định liên quan đến hàng hóa.
Ông Tuấn lưu ý, nếu sản phẩm có chứng nhận hợp quy, nhà bán hàng cũng phải đăng tải thông tin. Điều này đồng nghĩa hàng xách tay, sản phẩm công nghệ chưa được phép lưu hành hoặc kém chất lượng sẽ “hết đất sống”.
Trong trường hợp để xảy ra những vi phạm về chất lượng sản phẩm, sàn thương mại điện tử cũng phải chịu trách nhiệm pháp luật liên đới. Các chủ sàn sẽ được yêu cầu cung cấp các biện pháp, công cụ để siết chặt thông tin, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng trước khi hiển thị sản phẩm bày bán.
Đề xuất mở 3.300 gian hàng cho 3.300 xã trên khắp Việt Nam
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông Nghiệp và Môi Trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho rằng một trong những cách tốt nhất để minh bạch chất lượng hàng hóa là áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc.
Trước đây Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tiến hành cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi cho các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên việc này chủ yếu phục vụ hàng hóa xuất khẩu đi nước ngoài. Sắp tới, việc cấp mã số từ nơi sản xuất đến cơ sở kinh doanh, chế biến sẽ triển khai với cả thị trường trong nước. Hàng nông sản chất lượng cao sẽ ưu tiên thị trường nội địa, thay vì chỉ đem đi nước ngoài bán.
Các chuyên gia thảo luận về tương lai của thương mại điện tử tại hội nghị TikTok Shop Summit 2025, diễn ra tại TP.HCM hôm 17/7. (Ảnh: Thành Nam)
Trong tương lai, với công nghệ truy xuất nguồn gốc, mỗi người tiêu dùng đều có thể tự kiểm tra được bó rau được trồng ở đâu, miếng thịt có xuất xứ từ trang trại nào, qua cơ sở chế biến nào, đạt những tiêu chuẩn gì... từ đó giúp người tiêu dùng an tâm mua sắm hơn, đặc biệt trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Tiến cho biết từ 2023, Trung tâm đã hợp tác với TikTok Việt Nam để đưa đặc sản nông sản lên nền tảng số, bước đầu tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực. Ông đề xuất thời gian tới, TikTok Shop có thể suy nghĩ đến việc hỗ trợ mở 3.300 gian hàng địa phương để người dân của mỗi xã, phường trên khắp Việt Nam đều có thể tự quảng bá, kể câu chuyện về vùng nguyên liệu của mình và đưa đặc sản đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước, quốc tế.
Ủng hộ ý tưởng này của đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Nguyễn Lâm Thanh cho biết thống kê của TikTok Shop cho thấy 80% người dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm trong TikTok Shop Mall. Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm có độ tin cậy và chất lượng cao. Việc các gian hàng địa phương xuất hiện trên hệ thống cửa hàng chính hãng hoàn toàn phù hợp xu hướng tiêu dùng đề cao yếu tố câu chuyện bản địa, sự minh bạch và uy tín trong xuất xứ hàng hóa.