A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh các chính sách khuyến khích tiêu dùng để khơi thông thị trường trong nước

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường và các chính sách khuyến khích tiêu dùng để khơi thông thị trường trong nước, gắn kết giữa sản xuất với phân phối và tiêu dùng hàng hóa; rà soát, nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm trong nước và toàn cầu.

Ngày 26/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 121/CĐ-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch các Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn; Tổng giám đốc Tổng công ty.

day manh cac chinh sach khuyen khich tieu dung de khoi thong thi truong trong nuoc hinh 1

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách khuyến khích tiêu dùng để khơi thông thị trường trong nước. Ảnh: TTXVN

Tăng cường các hoạt động kết nối, phân phối các sản phẩm OCOP

Đáng chú ý, tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường và các chính sách khuyến khích tiêu dùng để khơi thông thị trường trong nước, gắn kết giữa sản xuất với phân phối và tiêu dùng hàng hóa; rà soát, nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm trong nước và toàn cầu; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại; tích cực hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Tích cực tổ chức các chương trình khuyến mại trên phạm vi vùng và toàn quốc, phối hợp với các địa phương tăng cường các hoạt động kết nối, phân phối các sản phẩm OCOP, đưa hàng hóa đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp để kích cầu tiêu dùng trong nước; 

Đẩy mạnh triển khai các chương trình, sự kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong hoạt động mua bán, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước trên các nền tảng số hóa, thương mại điện tử; tổ chức các hoạt động thúc đẩy liên kết vùng trong thương mại điện tử, các hoạt động xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới với các nước trong khu vực, thị trường nhập khẩu lớn;

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương mại trong nước, triển khai hiệu quả các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

Tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp tổ chức thực hiện các Chương trình, Đề án về phát triển thị trường trong nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; triển khai các giải pháp, các hoạt động cụ thể, thiết thực về kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại thị trường trong nước;

Nghiên cứu và xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử hiện đang tạo sức ép lớn lên hàng hóa sản xuất trong nước, ảnh hưởng tới tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp nội địa;

Phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp về giải ngân kinh phí đầu tư công để triển khai các nhiệm vụ kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thị trường trong nước.

Nghiên cứu giải pháp kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính: Chỉ đạo đẩy nhanh thủ tục giải ngân kinh phí triển khai các Chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng của các bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu giải pháp kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực tiêu dùng, phục vụ đời sống. Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước; tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, giảm lãi vay cho doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025;

Chỉ đạo tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện của các tổ chức tín dụng để các chính sách của Nhà nước đến với người dân, doanh nghiệp kịp thời, đúng đối tượng.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động sản xuất theo hướng xanh, sạch, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ đạo các địa phương tập trung sản xuất theo kế hoạch nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa nông sản, thực phẩm cho những tháng cuối năm 2024 và kế hoạch sản xuất năm 2025 phù hợp với nhu cầu, diễn biến của thị trường, hạn chế các tác động đến giá cả tại thị trường trong nước;

Phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu, kết nối hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản tại các vùng sản xuất tập trung; tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP gắn với giá trị văn hóa, tinh thần của từng vùng, miền, địa phương trên cả nước.

Khuyến khích tiêu dùng các mặt hàng vật liệu xây dựng sản xuất trong nước

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Chỉ đạo nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy khuyến khích tiêu dùng các mặt hàng vật liệu xây dựng sản xuất trong nước. Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương có chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án bất động sản, nhà ở xã hội và thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững nhằm kích cầu tiêu dùng các mặt hàng vật liệu xây dựng được sản xuất trong nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp nhằm tổ chức tốt thị trường trong nước, các kênh phân phối truyền thống và hiện đại, tạo thuận lợi cho hoạt động tiêu thụ hàng hóa; tăng cường kết nối vùng, miền để trao đổi tiềm năng, thế mạnh, trong đó chú trọng kết nối về logistics, tạo thuận lợi trong hoạt động vận chuyển hàng hóa lưu thông;

Phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất tại địa phương, nhất là dịp cuối năm nhằm khai thác tối đa thị trường nội địa. Chỉ đạo hệ thống phân phối trên địa bàn bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu;

Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trên địa bàn được phân công quản lý, chỉ đạo sản xuất theo kế hoạch nhằm bảo đảm hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa; điều tiết cung cầu hàng hóa và bình ổn thị trường, đặc biệt là dịp lễ, Tết; kịp thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các chủ thể tham gia kinh doanh trên thị trường theo thẩm quyền.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch các Hiệp hội ngành hàng chủ động nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thành viên trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa để kịp thời đề xuất các cơ quan chức năng có biện pháp tháo gỡ;

Chủ tịch các Tập đoàn, Tổng giám đốc Tổng công ty tập trung đổi mới quản trị, tăng cường nghiên cứu phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động; tăng cường sử dụng nguyên liệu, sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng trong thực hiện Chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn trực tiếp chỉ đạo việc triển khai, đôn đốc, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện Công điện này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :