Bình Dương liên kết "6 nhà" tạo chuỗi giá trị nông sản
Nông nghiệp Bình Dương đang đối mặt với nhiều khó khăn, việc hợp tác "6 nhà" nhằm tạo ra một chuỗi giá trị nông sản hiệu quả và bền vững.
Bình Dương hiện có hơn 942 trang trại và diện tích canh tác rộng lớn, tỉnh đã ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ hiện đại như hệ thống tưới tự động, nhà kính thông minh, thủy canh vào sản xuất nông nghiệp.
Trong đó, diện tích trồng trọt ứng dụng công nghệ cao đã đạt khoảng 7.561 ha, tập trung vào các loại cây trồng có giá trị cao như rau sạch, nấm, và các loại cây ăn trái đặc sản.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp Bình Dương vẫn còn đối mặt với một số thách thức như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết trong chuỗi giá trị và sản phẩm chủ yếu vẫn là hàng tươi sống.
Trường hợp của bà Tăng Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH yến Hiếu Hằng, có địa chỉ ở huyện Phú Giáo là một ví dụ. Bà Hằng cho biết sản phẩm tổ yến của bà đã đạt được nhiều thành công và được người tiêu dùng tin tưởng, hiện công ty đang làm thủ tục để đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. Cùng với đó, bà Hằng đang muốn đa dạng hóa sản phẩm với yến tươi, chè yến, cháo yến... nhưng gặp khó về vốn và cách làm.
Theo bà Hằng, doanh nghiệp của bà đang sử dụng yến chưng thủ công nên hạn sử dụng ngắn, khoảng 10 ngày, khó gửi hàng đi xa được. Do đó, bà rất muốn làm yến chưng vẫn giữ hương vị cũ nhưng có hạn sử dụng lâu hơn để bán ra thị trường nhiều hơn.
Để làm được điều này, bà Hằng mong muốn có những gói hỗ trợ để mua máy móc hoặc có phòng trưng bày sẵn phẩm để mình giới thiệu khách hàng nhanh nhất, khẳng định được vị thế sản phẩm của mình khi đến tay người tiêu dùng.
Ông Vũ Minh Dương, Giám đốc Công ty Thực phẩm Phú Mỹ A, ở TP Thủ Dầu Một, cũng cho hay hơn 13 năm theo đuổi thực phẩm sạch với các sản phẩm truyền thống như giò lụa, nem thính, chả bì, công ty đã nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng nhờ chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để mở rộng quy mô sản xuất và đưa sản phẩm đến với nhiều khách hàng hơn, công ty rất cần các chương trình xúc tiến thương mại và hỗ trợ marketing.
Ông Dương mong hỗ trợ về nguồn vốn, khoa học công nghệ. Đặc biệt, việc được các ban ngành hỗ trợ tham gia các hội chợ lớn, hội chợ OCOP sẽ giúp ông tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn.
Đó cũng là mong muốn của các doanh nghiệp mới khởi nghiệp trong lĩnh vực này tại Bình Dương. Bà Lê Thị Ngọc Mai, chủ hộ kinh doanh trà gạo lứt xanh lòng An An, cho biết việc "6 nhà" cùng liên kết với nhau sẽ giải tỏa được nỗi lo đầu ra cho hộ kinh doanh mới bắt đầu tham gia thị trường này.
Theo Hội Nông dân tỉnh Bình Dương, việc liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản đóng vai trò vô cùng quan trọng. Liên kết "6 nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà phân phối, ngân hàng) chính là giải pháp tổng thể, nhằm tạo ra một chuỗi giá trị nông sản hiệu quả và bền vững.
Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, nhấn mạnh để mô hình này đạt được hiệu quả cao cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ nhà nước, nhà khoa học đến doanh nghiệp và nông dân. Bên cạnh đó, việc xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cũng là yếu tố quyết định thành công của chương trình.