Sơn La: đa dạng giải pháp xúc tiến thương mại nông sản
Năm 2024, Sở Công Thương Sơn La đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đa dạng giải pháp quảng bá, xúc tiến thương mại nông sản
Thời gian qua, các hoạt động kết quảng bá, xúc tiến thương mại tiếp tục được Sở Công Thương tập trung đẩy mạnh, chủ động đổi mới hình thức, lựa chọn các công cụ và biện pháp phù hợp nhằm bảo đảm đúng đối tượng, đạt được các mục tiêu và hiệu quả cao.
Theo đó, Sở Công Thương đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 15/01/2024 về xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử tỉnh Sơn La năm 2024; Quyết định số 850/QĐ-UBND ngày 10/5/2024 về việc ban hành danh mục sản phẩm và cơ sở sản xuất, kinh doanh trọng điểm ưu tiên lựa chọn tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử của tỉnh Sơn La năm 2024.
Tỉnh Sơn La tổ chức triển khai nhiều hoạt động kết nối giao thương hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối giao thương, tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa. (Ảnh: CTV) |
Sở còn tổ chức triển khai các hoạt động kết nối giao thương hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối giao thương, tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố như: Lào Cai, Lạng Sơn... cập nhật thông tin tình hình thông quan hàng hóa tại các Cửa khẩu biên giới với Trung Quốc; thông báo dự thảo quy định về SPS. Thông tin tới doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh về các hoạt động tuyên truyền về FTAs, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế do Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố tổ chức như: Hội chợ đặc sản vùng miền khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Vĩnh Long năm 2024, Hội chợ mua sắm cuối năm Đồng Nai năm 2024, Triển lãm Xúc tiến, giao thương về các giải pháp chuyển đổi sản xuất xanh trong nền kinh tế số….
Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản ở các kênh phân phối nội địa, Sở Công Thương đã tổ chức các đoàn khảo sát và làm việc nắm tình hình kế hoạch sản xuất, nhu cầu quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm của một số doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Theo đó, Sở Công Thương đã tham gia Đoàn công tác của UBND tỉnh làm việc với hệ thống siêu thị của Wincommerce, hệ thống siêu thị Central Retail, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam về thỏa thuận hợp tác tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La; Tham gia Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du miền núi phía Bắc và Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài (tại tỉnh Lào Cai)…
Sở Công Thương Sơn La còn phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Lào Cai tổ chức kết nối giữa Công ty Cổ phẩn Thương mại Xuất nhập khẩu Minh Khai (tỉnh Lào Cai) cùng các đối tác nhập khẩu Trung Quốc tới khảo sát vùng trồng và làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, HTX sản xuất, thu gom, đóng gói sản phẩm xoài tại các huyện để khảo sát mô hình kinh doanh, xuất khẩu của các doanh nghiệp tỉnh Lào Cai và trao đổi về các nội dung hợp tác liên kết.
Tăng cường xúc tiến thương mại trên nền tảng số
Song song với kết nối trực tiếp, Sở Công Thương Sơn La còn đẩy mạnh phát triển các hoạt động thương mại điện tử luôn được quan tâm triển khai. Sở đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 61/KH-SCT ngày 01/4/2024 của Sở Công Thương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số năm 2024.
Sở Công Thương Sơn La đẩy mạnh phát triển các hoạt động thương mại điện tử, tập huấn đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại và livestream bán hàng trực tuyến cho người dân. (Ảnh: CTV) |
Mới đây, Sơn La đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương; TikTok Shop Việt Nam đã tập huấn đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại và livestream bán hàng trực tuyến cho người dân huyện Mai Sơn.
Chương trình giúp hộ gia đình, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận các kiến thức, kỹ năng cần thiết ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả trong xúc tiến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Tại hội nghị tập huấn, các chuyên gia giới thiệu tổng quan về thương mại điện tử, xu hướng thương mại điện tử trong tương lai; các kiến thức, kỹ năng cần thiết để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng thương hiệu và tham gia các sàn thương mại điện tử lớn, các mạng xã hội, môi trường số; các kỹ năng kinh doanh hiệu quả trên nền tảng số; các giải pháp thanh toán số khi tham gia các sàn thương mại điện tử; nguy cơ và phòng tránh lừa đảo khi tham gia các sàn thương mại điện tử.
Đồng thời, trực tiếp hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khởi tạo, quản lý gian hàng; xây dựng các video nội dung ngắn và livestream quảng bá, cách thức bán hàng qua video, qua livestream và qua tiếp thị liên kết trên TikTok Shop.
Cùng thời điểm này, một doanh nghiệp phối hợp với Sendo Farm tổ chức livestream kết nối tiêu thụ bắp cải cho các hộ trong chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu rau, củ, quả an toàn của Hợp tác xã Nông sản Sơn La, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.
Còn tại huyện miền núi Sông Mã đã phối hợp với Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn Sơn La tổ chức hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn và livestream giới thiệu các sản phẩm OCOP của Sơn La do các KOL, KOC (người có sức ảnh hưởng, những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường) trực tiếp thực hiện và hướng dẫn. Tổ chức diễn đàn chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên với chủ đề “Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương” cho 400 đại biểu.
Bên cạnh hướng dẫn kỹ năng bán hàng, một trong những sáng kiến tiêu biểu là huyện đã liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee và Tiki để nông dân có thể đưa sản phẩm lên nền tảng, tiếp cận với hàng triệu người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã tự xây dựng fanpage của mình để tăng khả năng đưa nông sản tiếp cận đến người tiêu dùng.
Nhờ đó, theo số liệu báo cáo, tổng sản lượng cây ăn quả tiêu thụ từ đầu năm tính đến ngày 20/11/2024 đạt 348.653 tấn (ước đạt 93% tổng sản lượng cả năm), giá trị ước đạt 5.310.575 triệu đồng. Tính chung 11 tháng, giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu ước đạt 177,13 triệu USD, tăng 8,69% so với cùng kỳ và đạt 90,33% kế hoạch năm 2024.