A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá trị nhiều mặt khi xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng mạnh

Vượt qua những khó khăn, trở ngại, nhất là ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, trong 7 tháng năm 2022 kinh tế Việt Nam vẫn ổn định với nhiều điểm sáng.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng năm 2022: Trên cả nước số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 17,9% và số lao động đăng ký tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 7 tháng năm 2022 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD; riêng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 32,3 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ 2021.

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh mới và những vấn đề đặt ra

Ảnh minh họa

Những kết quả kinh tế 7 tháng 2022 của Việt Nam được dư luận trong nước cũng như quốc tế đánh giá cao. Theo ông Chua Han Teng, chuyên gia kinh tế của ngân hàng lớn nhất Singapore: Việt Nam đang trở thành một quốc gia xuất khẩu mạnh mẽ về công nghệ thông tin và truyền thông. Ông dự báo năm nay GDP của Việt Nam sẽ đạt 7%.

Thành tựu trên đem lại ý nghĩa to lớn về nhiều mặt, củng cố và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam với quốc tế; khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, phù hợp, hiệu quả của Đảng, sự điều hành tích cực của Chính phủ, nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương trong đó có ngành Công Thương.

Ngành Công Thương với chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và tình cảm của mình đã vào cuộc quyết liệt với hoạt động kinh tế của đất nước, trong đó có lĩnh vực xuất khẩu. Thực tế cho thấy rõ: những nỗ lực của ngành Công Thương diễn ra có chiều rộng, chiều sâu với nhiều biện pháp phong phú, thiết thực, góp phần đưa lại kết quả tích cực cho xuất khẩu của kinh tế Việt Nam. Ví dụ như sự chỉ đạo tích cực của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và ngành Công Thương trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa luôn được dư luận chung trong nước cũng như quốc tế đánh giá là kịp thời, phù hợp và đem lại hiệu quả rất thiết thực.

Chính nhờ nỗ lực của ngành Công Thương, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của ngành Công Thương với các ngành, các địa phương luôn góp phần đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài. Hoạt động tích cực, chủ động và hiệu quả của ngành Công Thương ở trong nước và quốc tế trợ giúp việc nâng cao chất lượng hàng hóa, sự thuận lợi, nhanh chóng của hoạt động xuất khẩu và thúc đẩy sức mạnh cả cộng đồng cùng tham gia vào việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Thời gian qua, ngành Công Thương trực tiếp tổ chức nhiều việc làm cụ thể hỗ trợ cho các địa phương đẩy mạnh chất lượng xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản ra các thị trường quốc tế. Ví ụ, ngành Công Thương nỗ lực tham gia hoạt động hỗ trợ trong xuất khẩu hoa quả sang nước ngoài, với sự hưởng ứng tích cực ngay từ người trồng các loại hoa quả như vải thiều, chuối, nhãn… ở các địa phương và các ngành có liên quan để tìm cách làm sao cho các mặt hàng này đạt chất lượng, có uy tín và hiệu quả cao hơn khi xuất khẩu.

Tháng 8/2022 vừa qua, Bộ Công Thương trực tiếp cùng với tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn, nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2022 với sự tham dự của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên và các địa phương, hơn 200 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trong nước và ngoài nước. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến gần 20 điểm cầu tại nước ngoài và nhiều điểm cầu trong nước.

Hay như ngày 19/8/2022, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ Công Thương phối hợp với Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài. Hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, được kết nối giữa điểm cầu Bộ Công Thương với 61 điểm cầu cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài phụ trách 176 thị trường trên thế giới. Qua hội nghị đã thiết thực đánh giá tình hình và kết quả triển khai cũng như bàn giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu của năm 2022 và định hướng đến 2023 - 2025. Thành công tốt đẹp của hội nghị đã mở ra những thuận lợi cho thị trường thế giới tiếp nhận hàng hóa Việt Nam.

Những hoạt động thiết thực trên của ngành Công Thương đã góp phần cổ vũ, thúc đẩy và nâng cao chất lượng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, được dư luận trong nước và quốc tế đồng thuận, ủng hộ và triển khai thực hiện tích cực trên thực tế.

Những thành tựu trên của chúng ta càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã và đang dùng mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại cách mạng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Chúng phủ nhận thành tựu của nền kinh tế nước ta, cho rằng kinh tế Việt Nam đã và đang kiệt quệ, bế tắc. Chúng bịa đặt Việt Nam đã và đang mất uy tín với thế giới; xuyên tạc chất lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không đảm bảo chất lượng. Thậm chí chúng còn kích động dư luận quốc tế tẩy chay hàng hóa của Việt Nam… Thực tế sự gia tăng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và việc quốc tế ngày càng hài lòng với chất lượng hàng hóa nước ta đã, đang và sẽ làm thất bại sự chống phá xấu xa đó.

Thành tựu kinh tế nói chung và xuất khẩu nói riêng của Việt Nam là cơ sở quan trọng, động lực to lớn, niềm tin vững chắc để chúng ta tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về kinh tế trên các lĩnh vực, các mục tiêu: đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :