Tiết lộ "chiêu thức" lừa đảo trong vụ gần 100 container hạt điều xuất khẩu sang Ý
Các doanh nghiệp đã không tìm hiểu kỹ thông tin đối tác trước khi xuất khẩu số lượng lớn hạt điều sang Ý.
Quá tin tưởng vào công ty môi giới, không kiểm tra thông tin đối tác là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ việc gần 100 container hạt điều bị lừa xuất khẩu sang Ý thời gian vừa qua. Thông tin này được ông Bạch Khánh Nhựt - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) - chia sẻ tại hội thảo phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức chiều 23/8.
Ông Nhựt cho biết đến nay vụ việc các doanh nghiệp bị lừa xuất khẩu hạt điều sang Ý đã được xử lý cơ bản thành công. "Từ nguy cơ mất trắng hàng chục container, với trị giá hàng trăm tỉ đồng, các doanh nghiệp đã không mất một container nào vào tay nhóm lừa đảo, dù các doanh nghiệp trước đó đã bị chiếm đoạt gần 40 bộ chứng từ gốc"- ông Nhựt nói.
Ông Bạch Khánh Nhựt chia sẻ thông tin tại hội thảo |
Nhắc lại thời điểm 7/3/2022, ông Bạch Khánh Nhựt cho biết sau khi nắm được thông tin ban đầu về vụ lừa đảo, VINACAS đã tổ chức họp khẩn với các doanh nghiệp liên quan để nắm tình hình. Trước sự nghiêm trọng và cấp bách của vụ việc, ngay trong đêm 7/3, VINACAS đã gửi Công văn hỏa tốc đến Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Ý nhờ giúp đỡ. Đồng thời có báo cáo nhanh gửi các bộ: Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính...
"Với sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của VINACAS, Thương vụ Việt Nam tại Ý và các bộ ngành liên quan. Đặc biệt là sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động của các doanh nghiệp, vụ việc đến nay cơ bản đã được đã giải quyết"- ông Bạch Khánh Nhựt nói.
Về nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp bị lừa đảo xuất khẩu, ông Nhựt cho biết các doanh nghiệp hạt điều quá tin tưởng vào công ty môi giới và bỏ qua công đoạn kiểm tra thông tin đối tác. "Công ty môi giới hợp đồng cho 5 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu điều là công ty đã có kinh nghiệm 15 năm hoạt động, trước đó đã nhiều lần môi giới xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong nước và chưa từng xảy ra sự cố. Do không kiểm tra kỹ thông tin đối tác, nên sau đó khi có dấu hiệu lừa đảo, tìm hiểu thì được biết các thông tin, địa chỉ nêu trong hợp đồng là địa chỉ giả, hoặc không phải nơi đăng ký doanh nghiệp"- ông Nhựt cho hay.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo đã "đánh" vào tâm lý của doanh nghiệp là thời điểm dịch bệnh khó tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu lớn, nên khi có đối tác đặt vấn đề về số lượng hàng chục container, các doanh nghiệp đã rất phấn khởi và bỏ qua các khâu kiểm tra.
"Có doanh nghiệp sau khi biết bị lừa mới kể lại, dịp Tết Âm lịch họ nhận được đề nghị ký hợp đồng xuất khẩu số lượng lớn hạt điều. Trong bối cảnh khan hiếm đơn hàng, họ mừng quá không ăn Tết, mà huy động người làm tại địa phương vì công nhân đã nghỉ Tết, trả công gấp nhiều lần để đóng gói hàng, kịp thời gian xuất"- ông Bạch Khánh Nhựt chia sẻ.
Điều đáng nói, thị trường Ý trước đó nhập khẩu rất ít hạt điều Việt Nam, nhưng chỉ trong vài ngày đã có đối tác đề nghị ký hợp đồng xuất khẩu hàng chục container, đó là dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên theo ông Nhựt, các doanh nghiệp xuất khẩu vì mong muốn xuất được đơn hàng lớn mà thiếu cẩn trọng.
Một dấu hiệu bất thường khác được ông Nhựt chỉ ra trong vụ lừa đảo này là đối tác nhập khẩu liên tục hối thúc các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cung cấp mã vận đơn, trong khi đây là thông tin cần bảo mật.
Nhiều khuyến cáo dành cho doanh nghiệp được đưa ra tại hội thảo |
Từ việc của các doanh nghiệp điều, ông Bạch Khánh Nhựt nhấn mạnh trong kinh doanh quốc tế, vai trò của môi giới là rất quan trọng nhưng doanh nghiệp cần có sự kiểm tra đối tác một cách độc lập.
Bên cạnh đó, cần cảnh giác với các dấu hiệu bất thường từ đối tác, mặc dù kẻ lừa đảo thường dùng các thủ đoạn rất tinh vi. Nên trao đổi thông tin với đồng nghiệp để phát hiện các dấu hiệu lừa đảo và cần nhanh chóng báo cáo, nhờ sự trợ giúp của hiệp hội ngành nghề khi xảy ra vụ việc.
Tại hội thảo, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần nắm vững các vấn đề pháp lý để hạn chế rủi ro về tranh chấp, lừa đảo. Ông cũng nhấn mạnh đến yếu tố tìm hiểu thông tin đối tác thông qua Thương vụ tại các nước, qua kênh ngân hàng, các chuyên gia tư vấn.
"Thời gian tới, chúng ta cần phải có phương án ứng phó, kịch bản giải quyết thế nào khi xảy ra các vụ việc lừa đảo để tránh lúng túng. Cần thiết lập một quy trình ứng phó việc này"- luật sư Trương Thanh Đức đề xuất.
Ông Ngô Khắc Lễ - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, cũng lưu ý với doanh nghiệp nên thận trọng hơn với doanh nghiệp đối tác mới giao dịch lần đầu. Có thể kiểm tra nhanh qua bạn hàng cùng hiệp hội ngành nghề. Nên chủ động gửi đăng ký kinh doanh của mình trước cho đối tác để có cơ sở đề nghị họ gửi đăng ký kinh doanh và coi đây là việc bình thường khi giao dịch để qua đó biết được thông tin của doanh nghiệp. Ngoài ra, có thể tìm hiểu đối tác qua sự giúp đỡ của Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam ở nước sở tại.
"Lựa chọn đối tác gần như là khâu quyết định của các doanh nghiệp xuất khẩu. Đối tác có uy tín, thương hiệu làm ăn lâu năm thì dù giá có tăng, giảm thì họ vẫn mua hàng của mình"- ông Lễ nêu quan điểm.