Thực hư chuyện Mỹ - Hàn tập trận hạt nhân
Một số chuyên gia hoài nghi hiệu quả của cam kết an ninh giữa Mỹ và Hàn Quốc khi quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân nằm trong tay tổng thống Mỹ
Hàn Quốc hôm 3-1 tái xác nhận rằng Seoul và Washington chỉ đang thảo luận về việc quản lý kho hạt nhân của Mỹ trước các mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng từ Triều Tiên.
Thư ký báo chí của Tổng thống Yoon Suk-yeol, bà Kim Eun-hye, cho rằng Seoul và Washington đang bàn về việc chia sẻ thông tin tình báo, kế hoạch chung liên quan đến việc quản lý kho hạt nhân của Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Chosun Ilbo một ngày trước đó, Tổng thống Yoon cho biết: "Vũ khí hạt nhân thuộc về Mỹ nhưng việc lập kế hoạch, chia sẻ thông tin, tập trận và huấn luyện nên do Hàn Quốc và Mỹ cùng thực hiện".
Tờ báo trích lời ông Yoon cho rằng với việc Mỹ - Hàn Quốc cùng lên kế hoạch và có các cuộc tập trận chung sẽ thực hiện hiệu quả hơn khái niệm "răn đe mở rộng" của Mỹ. Thuật ngữ "răn đe mở rộng" chỉ khả năng của quân đội Mỹ, đặc biệt là lực lượng hạt nhân, nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào đồng minh của nước này.
Binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ cụng tay khi tham gia cuộc tập trận chung vượt sông ở Yeoju - Hàn Quốc Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, không lâu sau đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh hai nước không hề thảo luận về các cuộc tập trận hạt nhân chung khi được một phóng viên tại Nhà Trắng đặt câu hỏi.
Hàn Quốc hiện không có vũ khí hạt nhân và được bảo vệ dưới "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ. Tuy nhiên, một số chuyên gia tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của một cam kết an ninh như vậy khi quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ nằm trong tay ông chủ Nhà Trắng.
Ông Kim Taewoo, cựu giám đốc Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, cho rằng Hàn Quốc và Mỹ có khả năng sử dụng các kênh không chính thức để thảo luận về chủ đề này, chính vì vậy hai nước mới đưa ra thông tin trái chiều ban đầu. Dù vậy, theo ông Kim, Triều Tiên vẫn xem đây là vấn đề nhạy cảm.
Theo hãng tin Reuters, ông Thomas Countryman, cựu quyền thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ về kiểm soát vũ khí, nhận định những bình luận của ông Yoon nhằm trấn an người dân Hàn Quốc sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cam kết thông điệp năm mới rằng sẽ sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân chiến trường nhắm vào Hàn Quốc. Đồng thời, ông Kim cũng thông báo sẽ ra mắt một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mạnh hơn có khả năng tấn công lục địa Mỹ.
Hãng Yonhap trích dẫn dữ liệu từ các chuyên gia nước ngoài phỏng đoán Triều Tiên có thể sở hữu 15-60 đầu đạn hạt nhân. Cụ thể, theo tạp chí Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử (Mỹ), tính đến tháng 9-2022, Triều Tiên được cho là đã có 20-30 đầu đạn hạt nhân phù hợp cho tên lửa tầm trung.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) hồi tháng 6-2022 cho rằng Triều Tiên có 20 đầu đạn và có nguyên liệu để chế tạo thêm 45-55 đầu đạn nữa. Trước đó, Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia Mỹ (INSS) thuộc Viện Quốc phòng Mỹ ước tính đến tháng 11-2020, Triều Tiên đã có 15-60 đầu đạn hạt nhân.