Liên tiếp bắt giữ các nhóm khai thác cát trái phép trên sông Hồng và sông Đà
Từ đầu tháng 11 đến nay, lực lượng chức năng đã liên tục bắt giữ các nhóm khai thác cát trái phép trên sông Hồng và sông Đà.
Cụ thể, 23h30 ngày 5/11, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 1, Phòng Cảnh sát giao thông và Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) đã mật phục trên khúc sông Đà đoạn qua xã Minh Quang, huyện Ba Vì (Hà Nội). Đến khoảng 5h sáng ngày 6/11, tổ công tác đã bắt quả tang 5 tàu sắt có hành vi hút cát dười lòng sông lên các boong tàu đem bán.
Khai thác cát trái phép trên sông Hồng |
Qua phân loại các phương tiện và đối tượng đến từ Hà Nội, tỉnh Phú Thọ, lợi dụng đêm tối đoạn sông thưa vắng và địa bàn giáp ranh để hoạt động khai thác cát trái phép. Khai thác đến đâu, các đối tượng sẽ mua bán trực tiếp trên sông hoặc chở về bãi tập kết bí mật. Trong sáng cùng ngày, việc lai dắt 5 tàu cát về cảng Sơn Tây (Hà Nội) đã hoàn tất. Vụ việc đang được cơ quan chức năng phân loại, điều tra xử lý.
Trước đó, vào khoảng 20h ngày 1/11, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phối hợp với Công an thành phố Hà Nội, Công an tỉnh Vĩnh Phúc tuần tra, bắt quả tang, tạm giữ 4 phương tiện cùng 11 thuyền viên đang thực hiện hành vi hút hàng trăm mét khối cát (m3) dưới lòng sông Hồng thuộc địa bàn giáp ranh huyện Ba Vì, Hà Nội, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Được biết, đây là những vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều phương tiện và thuộc địa bàn giáp ranh, để phục vụ mở rộng điều tra, xác minh, làm căn cứ xử lý, Cục Cảnh sát giao thông bàn giao về công an các địa phương Hà Nội, Vĩnh Phúc để tiếp tục phối hợp mở rộng điều tra, xử lý theo quy định.
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn.
Theo đó, yêu cầu các đơn vị liên quan phải quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng, thành phố liên quan đến hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn thành phố; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Công an thành phố chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã có liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng liên quan nắm chắc tình hình, tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường...
Tập trung phát hiện, xử lý hình sự các đối tượng hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, hoạt động có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay; các vụ việc vi phạm lớn, nghiêm trọng, tiềm ẩn mất an ninh trật tự; đặc biệt là tại các địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội và các tỉnh lận cận.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo lực lượng Công an thành phố xử lý hình sự các đối tượng hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, hoạt động có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay; các vụ việc vi phạm lớn, nghiêm trọng trong việc khai thác cát, sỏi trái phép.
Hành vi khai thác, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP: "Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp". Mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu đồng đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức. Bên cạnh đó, về chế tài hình sự, người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 100 triệu đồng trở lên; Khoáng sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên… Hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù. |