A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điều chỉnh chính sách thuế đối với xăng dầu tạo động lực giúp doanh nghiệp phục hồi

Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện nghị quyết chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Theo Bộ Tài chính, trước bối cảnh giá dầu và giá xăng dầu thành phẩm thế giới liên tục tăng cao thời gian qua, Bộ Tài chính đã kịp thời thực hiện các quyết sách của Quốc hội, Chính phủ góp phần ổn định giá xăng dầu trong nước, kiềm chế lạm phát và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Cụ thể, về thuế bảo vệ môi trường (BVMT), đã giảm 50% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1 đến hết ngày 10/7/2022 (từ 3.000 đồng/lít xuống còn 1.500 đồng/lít) theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi tiểu mục 2 mục I Biểu thuế bảo vệ môi trường tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14.

Bên cạnh đó, giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa và giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay) từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 10/7/2022 theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn

Theo Bộ Tài chính, tổng số tiền giãn, giảm thuế, phí và lệ phí trong năm 2022 là rất lớn, lên tới 233 nghìn tỷ đồng. Việc tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mờ nhờn xuống bằng mức sàn trong khung thuế bảo vệ môi trường từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 6/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. (thay thế Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/0222 và Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của UBTVQH).

Theo tính toán của Bộ Tài chính, tính chung số giảm thu ngân sách nhà nước do việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 (gồm Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15; Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15) khoảng 33.488 tỷ đồng. Trong đó, ước riêng tác động giảm thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 khoảng 7.950 tỷ đồng, đã bao gồm cả thuế giá trị gia tăng...

Về thuế nhập khẩu, để đa dạng hóa nguồn cung xăng nhập khẩu cho thị trường trong nước (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP ngày 8/8/2022 để sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi từ mức thuế suất 20% xuống mức thuế suất 10%.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, ngày 7/7/2022, Tổng thư ký Quốc hội đã có Thông báo số 1265/TB-TTKQH về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tại phiên họp ngày 6/7/2022); trong đó đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu các nội dung liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn giữ ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ số 224/TTr-BTC ngày 30/9/2022 về Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. Theo đó, trình Quốc hội có quyết nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô và đời sống người dân.

Bộ Tài chính cho biết, dù việc điều chỉnh chính sách thuế đối với xăng dầu trong năm 2022 có gây áp lực lên nguồn thu ngân sách, nhưng đã thể hiện tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” của Chính phủ, tạo động lực giúp doanh nghiệp và người dân có thêm nguồn lực tái sản xuất, kinh doanh, có điều kiện giảm giá bán, góp phần tăng trưởng nền kinh tế của Đất nước.

Trong thời gian tới, để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách thuế đối với xăng dầu. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan triển khai phương án hỗ trợ người có thu nhập thấp, người yếu thế khi giá cả một số mặt hàng thiết yếu tăng cao.

Ngày 31/7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg  về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã và đang đẩy mạnh công tác tổng hợp phân tích dự báo thị trường và cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết và kịp thời cho những tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4% Chính phủ đề ra. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ chính sách tài chính, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; Nghiên cứu để có thể bổ sung chính sách hỗ trợ một số đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như ngư dân đánh bắt thủy hải sản, giao thông vận tải, người nghèo, người có thu nhập thấp...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :