A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng vẫn "chật vật" vì nợ xấu

Trong quý I/2025, tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng Việt Nam đạt mức khả quan, nhưng chất lượng nợ vay lại tiếp tục suy giảm, với tỷ lệ nợ xấu tăng đáng kể tại nhiều tổ chức tín dụng. Bức tranh tài chính u ám này đang đặt ra thách thức lớn cho hệ thống ngân hàng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất ổn.

 

Biểu đồ: H.Dịu. Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 của các ngân hàng

Biểu đồ: H.Dịu. Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 của các ngân hàng

Thông tin tại tọa đàm về xử lý nợ xấu vào giữa tháng 4/2025, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm nợ tiềm ẩn rủi ro) của hệ thống ngân hàng ước tính ở mức 5,46% tổng dư nợ. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2025, tổng nợ xấu đã tăng thêm 34.000 tỷ đồng, trong khi tốc độ xử lý nợ xấu chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng do các tổ chức tín dụng trích dự phòng rủi ro để xử lý.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn (lĩnh vực ngân hàng), tính đến tháng 2/2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm 5 ngân hàng MBV, GPBank, VCBNeo, Vikki Bank, SCB) ở mức 1,88%.

Báo cáo tài chính quý I/2025 của nhiều ngân hàng cho thấy nợ xấu không chỉ tăng về tỷ lệ mà còn tăng mạnh về giá trị tuyệt đối so với cuối năm 2024.

Ngay cả với “ông lớn” Vietcombank, dù vẫn duy trì phong độ là ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt nhất hệ thống, nhưng tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vẫn tăng từ 0,95% hồi cuối năm 2024 lên 1,03% sau 3 tháng đầu năm 2025.

“Ông lớn” khác là VietinBank cũng có tổng nợ xấu tính đến 31/03/2025 là 27.971 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,24% đầu năm lên 1,55%.

Tổng nợ xấu của BIDV thậm chí còn tăng tới 37%, nằm trong nhóm có mức tăng cao nhất hệ thống, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay vì thế mà tăng từ mức 1,41% đầu năm lên 1,89% sau 3 tháng 2025.

Về tỷ lệ, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 2% còn có thể kể đến TPBank, HDBank, Nam A Bank, Sacombank, MSB, SHB… Hơn nữa, cũng còn không ít ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% như Saigonbank, BVBank, VIB, ABBank, VPBank…

Trong đó, VPBank tăng từ 4,2% của cuối năm ngoái lên 4,74% sau 3 tháng năm 2025, VIB tăng từ 3,5% lên gần 3,8%, Saigonbank tăng từ 2,66% lên 3,28%.

Trả lời cổ đông về tình hình nợ xấu tại đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank cho hay, ngân hàng xác định nợ xấu sẽ có xu hướng bộc lộ rõ trong 6 tháng đầu năm 2025. Một phần lý do là các khoản vay bất động sản được cơ cấu trong năm 2024, đến nay hết thời gian cơ cấu và phải phản ánh lại theo đúng thực trạng. Theo ông Vinh, tình trạng nợ xấu bất động sản đang tăng lên trong quý I và quý II, nhưng sẽ được kiểm soát và ổn định từ nửa cuối năm trở đi.

Một số ngân hàng ghi nhận tín hiệu tích cực nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh, giúp giảm tỷ lệ nợ xấu dù giá trị nợ xấu tăng. Chẳng hạn, SHB giảm tỷ lệ nợ xấu từ 2,87% xuống 2,57%, dù tổng nợ xấu tăng 8%. MSB cũng giảm nhẹ từ 2,68% xuống 2,57%, nhưng nợ xấu tăng 4,6%.

Đáng chú ý, NCB đạt bước tiến lớn khi giảm tổng nợ xấu hơn 21%, dù tỷ lệ vẫn ở mức cao 2 con số. Theo Ban lãnh đạo NCB, điều này nhờ vào nỗ lực xử lý nợ, nên năm 2025 sẽ tiếp tục kiện toàn các hoạt động thu hồi nợ xấu, cũng như ứng dụng các biện pháp cảnh bảo sớm, tăng điều kiện tín dụng để kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo đúng mục tiêu đề ra.

Theo các chuyên gia, tình trạng nợ xấu của các ngân hàng sẽ có xu hướng gia tăng trong năm 2025, khi nền kinh tế chịu nhiều tác động khó lường.

Một trong những tác động được TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra trước việc Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng xuất khẩu của Việt Nam là tình hình tài chính - vĩ mô sẽ bị ảnh hưởng, do nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chịu tác động nặng nề, nên có thể tạo nợ xấu cho ngân hàng vốn đã tương đối xấu tính từ cuối năm ngoái.

TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng nhận định, nợ xấu đang ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng, cũng như giảm nguồn lực hỗ trợ ngược lại các doanh nghiệp. Dòng tiền không luân chuyển được, ảnh hưởng đến thanh khoản nếu không xử lý kịp thời.

Theo ông Hùng, các tổ chức tín dụng đã tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh, triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng. Nhưng bối cảnh kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình thế giới, trong khi hành lang pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu còn nhiều bất cập, chưa có sự đồng bộ và thống nhất, dẫn đến nợ xấu gia tăng

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV đang diễn ra, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng dự kiến sẽ trình Quốc hội thảo luận và thông qua. Các chuyên gia và đại diện nhiều ngân hàng kỳ vọng sẽ có những sửa đổi liên quan đến xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản đảm bảo... tạo điều kiện cho ngân hàng thu hồi nợ xấu, cũng như tăng trách nhiệm trả nợ của người đi vay.


Tác giả: Hương Dịu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :