Ngân hàng lớn lãi "khủng" nhưng mối lo vẫn còn nguyên
Nhiều ngân hàng lớn tại Phố Wall vừa công bố báo cáo quí 1-2023 với kết quả kinh doanh vượt dự kiến. Kết quả này liệu đã là đủ để xoa dịu nỗi lo ngại của thị trường về triển vọng của ngành ngân hàng và nền kinh tế Mỹ?
Các ông lớn Phố Wall vẫn sống khỏe
Mùa báo cáo tài chính quí 1-2023 tại Mỹ vừa có một sự khởi đầu thuận lợi trong tuần trước, khi các ngân hàng lớn tại Phố Wall đều công bố những kết quả kinh doanh vượt dự kiến bất chấp những tác động tiêu cực lên ngành ngân hàng từ các vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu (14-4), cổ phiếu của JPMorgan Chase đã bật tăng 7,6% sau khi ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo giá trị tài sản cho biết lợi nhuận của họ đã tăng từ mức 8,28 tỉ đô la hồi quí 4-2022 lên 12,62 tỉ đô la trong quí 1-2023.
Cổ phiếu của Wells Fargo kết thúc phiên giao dịch gần như không đổi, trong khi cổ phiếu Citigroup bật tăng 4,8%, sau khi cả hai ngân hàng đều cho biết lợi nhuận và doanh thu trong quí đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Cổ phiếu của BlackRock cũng tăng 3,1% sau khi công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới công bố mức lợi nhuận giảm 18% trong quí 1, nhưng vẫn vượt qua ước tính của giới phân tích.
Theo Giám đốc tài chính JPMorgan Jeremy Barnum, những điều tồi tệ nhất hiện đã ở lại phía sau. “Chúng tôi đã trải qua một giai đoạn khó khăn trong tháng 3-2023, nhưng giờ mọi thứ đã tốt hơn”.
Ông Octavio Marenzi, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn đầu tư Opimas LLC nhận định, những nhà đầu tư tham gia thị trường đang tìm kiếm các dấu hiệu rạn nứt trong ngành ngân hàng Mỹ chắc chắn đã cảm thấy rất nhẹ nhõm khi không có bất cứ dấu hiệu nào như vậy xuất hiện trong báo cáo tài chính của các ông lớn Phố Wall.
Khủng hoảng là khủng hoảng nào?
Nhiều ý kiến cho rằng, đây không chỉ là tín hiệu tích cực đối với các ngân hàng lớn, mà còn cho thấy sức khỏe của toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ. Các dữ liệu vừa được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố hôm thứ Sáu cho thấy, hoạt động cho vay của tất cả các ngân hàng đều đã tăng trong tuần kết thúc vào ngày 5-4.
“Tôi sẽ không sử dụng từ khủng hoảng tín dụng, nếu tôi là bạn”, Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase chia sẻ với các phóng viên hôm thứ Sáu.
Ông Dimon cũng tỏ ra lạc quan về khả năng duy trì đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ. “Nền kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn có nền tảng vững chắc – người tiêu dùng vẫn đang chi tiêu và có bảng cân đối kế toán khỏe mạnh, các doanh nghiệp cũng đang hoạt động tốt. Những đám mây đen mà chúng tôi đã theo dõi trong năm qua vẫn còn ở phía chân trời, dù những biến động trong ngành ngân hàng đang khiến những rủi ro này gia tăng”.
Một số chuyên gia cũng đồng ý với các phát biểu trên. Nhà phân tích Mike Mayo của Wells Fargo đã viết trong một ghi chú hôm thứ Sáu về kết quả kinh doanh của các ngân hàng lớn rằng “không có bằng chứng nào về một cuộc khủng hoảng ngân hàng”. UBS cũng đã thể hiện sự lạc quan bằng cách đặt tiêu đề cho ghi chú này là: “Khủng hoảng nào? Ngành ngân hàng đã phục hồi trở lại”.
Thách thức vẫn còn ở phía trước
Tuy nhiên, ngay cả khi đây không còn là một cuộc khủng hoảng, một thực tế rõ ràng là ngành ngân hàng Mỹ, bao gồm cả những ngân hàng hàng đầu vẫn sẽ phải tiếp tục đối mặt với những thử thách.
Đáng chú ý nhất là tác động từ lãi suất cao hơn đối với hoạt động cho vay và các khoản tiền gửi – thước đo cho khả năng sinh lời của các ngân hàng. Theo Financial Times, các kết quả kinh doanh mới công bố của JPMorgan, Citigroup và Wells Fargo đã cho thấy các ngân hàng lớn tại Phố Wall đang hưởng lợi lớn từ việc Fed tăng lãi suất, bằng cách tính phí nhiều hơn cho các khoản vay, nhưng lại không áp dụng lãi suất tiết kiệm cao hơn đáng kể cho người gửi tiền.
Thế nhưng giờ đây, tỷ suất lợi nhuận đó có thể bắt đầu sụt giảm trong toàn ngành khi các ngân hàng sẽ buộc phải trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền, nhằm đảm bảo nguồn vốn.
Trong bối cảnh nỗi lo ngại xảy ra suy thoái kinh tế vào cuối năm nay ngày càng gia tăng, các ngân hàng lớn hiện đang cố gắng tăng cường khả năng chống chịu những tổn thất có thể xảy ra trong hoạt động cho vay. Trong quí đầu tiên của năm 2023, JPMorgan đã tăng khoản dự phòng cho các khoản lỗ tín dụng là gần 2,3 tỉ đô la.
Chia sẻ với Market Watch, chuyên gia Mehere cho biết, “Các ngân hàng lớn rõ ràng đang tăng dự phòng rủi ro so với quí trước và cùng kỳ năm ngoái. Điều này có nghĩa là họ đang chuẩn bị cho các rủi ro sắp tới”.
“Mặc dù hầu hết người tiêu dùng vẫn ổn, nhưng chúng tôi nhận thấy một số xu hướng suy yếu trong sức khỏe tài chính của người tiêu dùng so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy chúng tôi đã tiếp tục thực hiện các biện pháp thắt chặt tín dụng để định vị danh mục đầu tư cho nền kinh tế đang chậm lại”, Giám đốc tài chính của Wells Fargo, Michael Santomassimo cho biết.
Giám đốc điều hành Fraser của Citigroup cũng cho biết, ngân hàng này dự đoán tình trạng hỗn loạn trong ngành gần đây sẽ khiến “hoạt động tín dụng bị thu hẹp”, đồng nghĩa với việc nền kinh tế Mỹ “nhiều khả năng sẽ đối mặt với một cuộc suy thoái nhẹ” vào cuối năm nay. Bà Fraser cảnh báo, “một cuộc suy thoái như vậy có thể trở nên trầm trọng hơn cả về quy mô lẫn thời gian, nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng tín dụng nghiêm trọng hơn”.
Áp lực đè nặng lên các ngân hàng nhỏ
Sự lo ngại lớn hơn cả đang tập trung vào các ngân hàng khu vực, hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức về vấn đề thanh khoản. Khác với các ông lớn Phố Wall, các ngân hàng với quy mô nhỏ hơn này có phần lớn lợi nhuận phụ thuộc vào hoạt động cho vay, và không thể tìm kiếm thêm doanh thu từ các mảng kinh doanh khác như ngân hàng đầu tư hay giao dịch.
Khi Ngân hàng Nam Carolina – một ngân hàng khu vực nhỏ ở miền Nam nước Mỹ công bố báo cáo tài chính hôm 4-4, chủ tịch của ngân hàng này đã cảnh báo rằng lợi nhuận của họ đã không đạt kỳ vọng trong quí 1, do “chi phí tiền gửi gia tăng nhanh chóng và cuộc cạnh tranh ngày càng trở nên quyết liệt. Mặc dù thu nhập từ lãi cho vay tăng lên, nhưng biên lợi nhuận của ngân hàng vẫn còn mỏng”.
Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, cổ phiếu của một số ngân hàng khu vực đã suy giảm, đặc biệt là những tổ chức đang nhận được nhiều sự giám sát từ nhà đầu tư, sau những vụ sụp đổ gần đây trong ngành ngân hàng.
Nhìn rộng hơn, hoạt động yếu kém của nhóm cổ phiếu ngân hàng đang làm dấy lên nghi ngại về những rủi ro đối với bộ phận quan trọng này của hệ thống tài chính Mỹ. Kể từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 đã tăng 7,3% trong khi quỹ ETF của các ngân hàng khu vực giảm tới 26,9%. Nicholas Colas – nhà đồng sáng lập DataTrek Research nhận định “những thiệt hại mà các vụ sụp đổ hồi tháng 3 gây ra cho nhóm cổ phiếu ngân hàng khu vực vẫn chưa được bù đắp đáng kể”.
Các chuyên gia lo ngại, tình hình này nếu kéo dài có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với toàn bộ nền kinh tế Mỹ.
Tình hình thậm chí có thể tệ hơn nữa, trong trường hợp Fed quyết định giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn thay vì nới lỏng chính sách tiền tệ vào nửa cuối năm nay như kỳ vọng của thị trường.