Tỷ giá "chênh vênh" trước áp lực thuế đối ứng
Trước những biến động khó lường từ môi trường kinh tế quốc tế, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ, tỷ giá đang đứng trước nguy cơ biến động mạnh.
Chính sách tiền tệ của việt Nam chịu ràng buộc đa mục tiêu. Ảnh: ST
"Tấm đệm” hấp thụ cú sốc bên ngoài
Dù Tổng thống Donald Trump đã thông báo tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày nhằm thúc đẩy đàm phán thương mại, nhưng mức thuế đối ứng 10% vẫn được áp dụng với phần lớn quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc. Theo các chuyên gia, ngay cả khi chưa có quyết định thuế quan mới sau đàm phán, tỷ giá vẫn sẽ chịu sức ép lớn.
Tính đến thời điểm ngày 11/4/2025, sau tuyên bố nêu trên của Tổng thống Mỹ, chỉ số USD Index đo lường sức mạnh của đồng USD đã giảm sâu xuống còn hơn 100 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2024. Diễn biến này kéo theo giá USD trong nước cũng giảm mạnh, hiện quanh mức 25.490-25.880 VND/USD (mua vào - bán ra).
Theo nhận định của PGS.TS. Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, việc Mỹ áp thuế trên diện rộng khiến đồng USD biến động khó lường. Trong bối cảnh đó, các quốc gia áp dụng cơ chế tỷ giá thả nổi sẽ có lợi thế nhờ khả năng tự điều chỉnh. Tuy nhiên, Việt Nam áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt có kiểm soát, nên chịu áp lực nhiều hơn từ những thay đổi chính sách bên ngoài.
Theo các chuyên gia, trong năm 2025, rủi ro lớn nhất đối với tỷ giá vẫn xuất phát chủ yếu từ các vấn đề quốc tế như mặt bằng lãi suất USD ở mức cao kéo dài, sức mạnh đồng USD tiếp tục củng cố, rủi ro địa chính trị và chính sách thuế quan của Mỹ cũng như chiến tranh thương mại khó dự báo.
Ngoài ra, chính sách tiền tệ của việt Nam chịu ràng buộc đa mục tiêu, vừa kiểm soát lạm phát, vừa ổn định tỷ giá, trong khi vẫn phải tạo điều kiện để giảm lãi suất hỗ trợ tăng trưởng.
Do vậy, PGS.TS. Phạm Thế Anh cho rằng, chính sách tiền tệ của Việt Nam cần tiếp tục linh hoạt hơn, nhất là về tỷ giá, bởi tỷ giá đang là “tấm đệm” của nền kinh tế với các cú sốc từ bên ngoài.
NHNN có thể dần nới lỏng quản lý tỷ giá, cho phép VND biến động mạnh hơn theo thị trường, qua đó giúp chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, tập trung vào các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, cũng như giảm nguy cơ bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ.
Diến biến chỉ số USD Index trong 1 năm qua. Nguồn: Investing
Đồng quan điểm, theo GS.TS. Tô Trung Thành - Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học, Đại học Kinh tế Quốc dân, tỷ giá đang chịu sức ép. Nếu xuất khẩu bị ảnh hưởng lớn thì tỷ giá có thể đứng ở thế rất “chênh vênh”, tác động dây chuyền đến kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất và hiệu quả của các chính sách phục hồi kinh tế.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cảnh báo rằng, xuất khẩu suy giảm sẽ kéo theo nguồn cung ngoại tệ giảm. Trong khi đó, chỉ trong 3 tháng đầu năm, nhập khẩu đã đạt khoảng 100 tỷ USD, làm gia tăng áp lực lên thị trường ngoại hối.
Ổn định tỷ giá, giữ vững niềm tin
Theo Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2024: Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới của Đại học Kinh tế Quốc dân vừa mới công bố, mục tiêu điều hành tỷ giá của NHNN trong năm 2025 là đảm bảo sự ổn định giá trị đồng tiền và duy trì trạng thái dương cũng như đảm bảo cân đối ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế.
Vì thế, NHNN cần tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt với biên độ phù hợp, sẵn sàng sử dụng các công cụ can thiệp để bình ổn trong những thời điểm chịu áp lực lớn.
Bên cạnh đó, Ấn phẩm kiến nghị: NHNN cần điều chỉnh cách xác định tỷ giá kỳ hạn hiện nay. Cơ sở xác định tỷ giá kỳ hạn hiện nay đang dựa hoàn toàn vào sự chênh lệch giữa lãi suất VND và lãi suất USD. NHNN nên xem xét loại bỏ cách xác định dựa trên ngang bằng lãi suất, giúp tỷ giá hoạt động trên nguyên lý thị trường hơn, qua đó loại bỏ tâm lý găm giữ ngoại tệ.
"NHNN sẽ theo dõi rất sát diễn biến thị trường để điều hành các công cụ, giải pháp với thời điểm và liều lượng hợp lý, đặc biệt cân nhắc hài hoà sự đánh đổi tỷ giá với mục tiêu giảm lãi suất", Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
“NHNN cần thận trọng trong việc can thiệp vào thị trường ngoại hối, chấp nhận ổn định tỷ giá ở một mức độ nhất định, đồng thời tiếp tục kiểm soát lạm phát trong nước sẽ góp phần cải thiện cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam trên thị trường quốc tế”, Ấn phẩm của Đại học Kinh tế quốc dân nhận định.
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá, tỷ giá là vấn đề tất cả doanh nghiệp rất quan tâm sau khi Tổng thống Donald Trump công bố sắc lệnh thuế.
Theo Thống đốc, diễn biến tỷ giá phức tạp, khó lường thể hiện rõ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sắc thuế, nhất là khi đối tác thương mại áp dụng trả đũa thì chắc chắn thị trường tài chính tiền tệ diễn biến phức tạp hàng ngày, hàng giờ.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng dư địa chính sách tiền tệ đang ngày càng thu hẹp. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam nên ưu tiên ổn định vĩ mô, củng cố niềm tin của nhà đầu tư, thay vì tiếp tục hạ lãi suất, cũng như phát huy mạnh mẽ vai trò của chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn.