LONGFORM: Xây dựng Trung tâm Tài chính tại Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu
Xây dựng và phát triển trung tâm tài chính (TTTC) tại Việt Nam là một yêu cầu tất yếu, khách quan và cần thiết. Chủ trương này đã được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ xem xét và cho ý kiến. Việc xây dựng TTTC sẽ giúp Việt Nam kết nối với thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, huy động thêm nguồn lực mới bên cạnh việc thúc đẩy nguồn lực hiện hữu. Đồng thời, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Kết luận số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 về Đề án xây dựng TTTC khu vực và quốc tế, Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan liên quan phải xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án quan trọng này. Trên tinh thần đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP ngày 31/12/2024 về Kế hoạch hành động xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Với vai trò cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, điều phối và thúc đẩy quá trình tham vấn nhằm xây dựng, phát triển TTTC khu vực và quốc tế theo đúng định hướng, đường lối chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về TTTC tại Việt Nam, dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 9.
Bên cạnh đó, ngày 28/3, Bộ Tài chính đã phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị “Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam” dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng và Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được. Tham dự Hội nghị có gần 400 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các đại sứ quán, các định chế tài chính, quỹ đầu tư, công ty tư vấn, và các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế.
Tại Hội nghị, các chuyên gia đến từ các định chế tài chính, quỹ đầu tư, công ty tư vấn trong nước và quốc tế đã chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và phát triển các trung tâm tài chính, nhằm rút ra bài học và gợi ý chính sách cho Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam hiện nay là điểm sáng về phát triển và tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nằm trong nhóm các thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng công nghệ tài chính tương lai, dần hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến việc hình thành TTTC có khả năng liên kết với các TTTC trong khu vực và trên thế giới.
TP. Hồ Chí Minh đang sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển TTTC quốc tế. Thành phố nằm tại ngã tư quốc tế của các tuyến đường hàng hải Bắc - Nam và Đông - Tây, giữ vai trò trung tâm của khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là đầu mối giao thông kết nối các tỉnh trong vùng và là cửa ngõ quốc tế. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh nằm ở múi giờ khác biệt so với 21 TTTC lớn nhất toàn cầu. Đây là lợi thế “riêng có và đặc biệt”, giúp Thành phố có khả năng thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này.
Về quy mô kinh tế - tài chính, đến cuối năm 2023, GRDP của TP. Hồ Chí Minh đạt khoảng 65,5 tỷ USD, chiếm khoảng 15,5% GDP của cả nước. Theo đó, mỗi điểm phần trăm tăng trưởng GRDP của Thành phố sẽ đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của cả nước. Điều này thể hiện kỳ vọng lớn của cả nước vào các động lực tăng trưởng như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác - những cực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
TP. Hồ Chí Minh đưa ra lộ trình triển khai Trung tâm Tài chính quốc tế theo 3 giai đoạn đến năm 2030. TP. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị gì cho việc triển khai xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế.
Theo dự thảo của TP. Hồ Chí Minh, mô hình Trung tâm Tài chính gồm thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn, hàng hóa phái sinh. Thành phố đưa ra lộ trình triển khai Trung tâm Tài chính quốc tế theo 3 giai đoạn đến năm 2030. Để triển khai, TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển Fintech (công nghệ tài chính), ngân hàng số và giao dịch tài chính số; hội nhập khu vực cho Trung tâm tài chính; phát triển khu tài chính - thương mại Thủ Thiêm và thị trường hàng hóa.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, TP. Hồ Chí Minh đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển Trung tâm Tài chính ngay từ đầu năm nay. Ban chỉ đạo có 29 thành viên, do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh làm Trưởng ban.
Việc thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế được đánh giá sẽ tạo nền tảng góp phần cho sự tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh trong tương lai. Đây cũng là cơ hội để TP. Hồ Chí Minh thu hút nhà đầu tư quốc tế, tăng nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực.
Theo TS. Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, một Trung tâm Tài chính quốc tế đòi hỏi lực lượng lao động chuyên nghiệp, có trình độ cao trong các lĩnh vực then chốt như tài chính, ngân hàng, blockchain, trí tuệ nhân tạo và quản trị rủi ro. Đồng thời đủ khả năng cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp và chất lượng, đây là nền tảng để phát triển và duy trì khả năng cạnh tranh của các trung tâm tài chính.
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn với các giải pháp cụ thể, xây dựng hệ sinh thái và chính sách đãi ngộ hấp dẫn cho chuyên gia tài chính trong và ngoài nước để định cư và làm việc tại trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh.
Cùng với đó là thiết lập các khóa đào tạo chuyên biệt để giải quyết tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong các lĩnh vực tài chính và công nghệ. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng đào tạo, bao gồm trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính và công nghệ.
Theo GS.TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh), để vượt qua các thách thức và tận dụng tối đa lợi thế xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, TP. Hồ Chí Minh cần tập trung vào một số định hướng quan trọng.
Trước hết, TP. Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm giao thông, các khu tài chính hiện đại, và hệ thống công nghệ thông tin. Song song với đó, việc cải cách pháp lý là vô cùng cần thiết.
TP. Hồ Chí Minh cần học hỏi từ các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới như Singapore và Hong Kong để xây dựng khung pháp luật minh bạch, linh hoạt, và hỗ trợ mạnh mẽ cho lĩnh vực tài chính. Các sandbox thử nghiệm công nghệ tài chính cũng nên được triển khai để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.
Thành phố cũng cần tập trung thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm rào cản hành chính và cung cấp các ưu đãi hấp dẫn.
Các sự kiện quốc tế như hội thảo, diễn đàn tài chính, và triển lãm cần được tổ chức thường xuyên để quảng bá hình ảnh và thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư.
Cuối cùng, TP. Hồ Chí Minh nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính, từ trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, đến dữ liệu lớn. Đồng thời, nâng cao năng lực bảo mật và quản lý rủi ro để đảm bảo an ninh mạng và sự an toàn trong các giao dịch tài chính.
Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, TP. Hồ Chí Minh không chỉ vượt qua các thách thức mà còn có thể trở thành một trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Hai phương án chỉ khác nhau về quy mô diện tích, các nội dung khác cơ bản tương đồng. Sở Tài Chính kiến nghị chọn phương án 2 để bố trí không gian tại Trung tâm Tài chính quốc tế.
Việc đề xuất này đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính Trị và phù hợp quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền tư Trung ương đến địa phương phê duyệt.
Theo Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, trong 687 ha dự kiến thu hút đầu tư, sẽ có 9,2 ha của 11 phân khu tại khu lõi của khu đô thị mới Thủ Thiêm dự kiến đầu tư xây dựng các cơ quan quản lý hoạt động trung tâm tài chính, cơ quan tài phán, cơ quan giám sát hoạt động và các tòa nhà tài chính hiện đại.
Tại hội nghị “Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam” do Bộ Tài chính và UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 28/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao các ý kiến đóng góp, nhấn mạnh ba trụ cột phát triển trung tâm tài chính: cải cách thể chế, đầu tư hạ tầng, phát triển nhân lực chất lượng cao.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định Việt Nam đang có “cửa sổ cơ hội vàng” để thu hút dòng vốn, công nghệ và nhân tài tài chính toàn cầu. Với sự đồng hành của các chuyên gia, Việt Nam có thể trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ, gia tăng kết nối quốc tế, thu hút đầu tư và nâng cao vị thế quốc gia.
Bộ trưởng trân trọng các đề xuất về hạ tầng tài chính hiện đại, tài chính xanh, tài sản ảo, tài chính số và cơ chế thu hút chuyên gia toàn cầu.
Để chuyển hoá các khuyến nghị trên thành hành động cụ thể, Bộ trưởng đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, đề nghị các đại biểu tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam nói chung cũng như TP. Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng nói riêng trong quá trình xây dựng, phát triển và vận hành Trung tâm tài chính, giúp Việt Nam phát huy “đột phá của đột phá” về thể chể phát triển Trung tâm tài chính thông qua các hoạt động hợp tác, hỗ trợ, kết nối cụ thể.
Thứ hai, mong muốn tiếp tục nhận được các khuyến nghị chính sách, cả trong và ngoài khuôn khổ dự thảo Nghị quyết của Quốc Hội, dựa trên kinh nghiệm từ các trung tâm tài chính quốc tế đã thành công, nhằm giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển.
Thứ ba, đề xuất cơ hội, hỗ trợ huy động nguồn lực đầu tư và phát triển các Trung tâm tài chính tại Việt Nam trong các lĩnh vực: Phát triển hạ tầng tài chính hiện đại (thanh toán, lưu ký, giao dịch); Thu hút và phát triển nhân lực tài chính chất lượng cao; Đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực tài chính xanh, fintech, tài sản kỹ thuật số; Hợp tác áp dụng chuẩn mực tài chính quốc tế; và tăng cường giám sát và bảo đảm an toàn hệ thống tài chính.
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tinh thần đồng lòng và vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, cùng sự hỗ trợ, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thắng tin tưởng, Việt Nam sẽ thành công trong việc xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính, đóng góp quan trọng vào sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia, khu vực cũng như thế giới.
Bộ Tài chính, với vai trò là cơ quan chủ trì, cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và đối tác quốc tế, để hoàn thiện Nghị quyết trình Quốc hội, thúc đẩy quá trình xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn Việt Nam để đẩy nhanh việc hình thành Trung tâm tài chính tại Việt Nam.
08:37 11/04/2025