A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Định hướng hoàn thiện mô hình Ngân hàng Phát triển tại Việt Nam

Các ngân hàng phát triển (NHPT) được thành lập, tồn tại, phát triển lâu dài, ngày càng được hoàn thiện gắn liền với quá trình điều chỉnh và phát triển chung của mỗi quốc gia; đồng thời, nhiều ngân hàng phát triển quốc gia từng bước mở rộng tầm ảnh hưởng khu vực, quốc tế đồng hành và thông qua các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế của chính phủ các nước.

Định hướng hoàn thiện mô hình Ngân hàng Phát triển tại Việt Nam

Từ kinh nghiệm quốc tế về tổ chức các ngân hàng phát triển

Trên thế giới, hiện có khoảng 450 ngân hàng phát triển (NHPT) đang hoạt động, với tổng doanh số hàng năm đạt khoảng 2.000 tỷ USD, chiếm 10% tổng lượng đầu tư hàng năm của toàn cầu. Một số NHPT có phạm vi hoạt động trên toàn quốc, một số khác chỉ trong phạm vi bang hoặc hẹp hơn, với các lĩnh vực kinh doanh đa dạng, khác biệt giữa từng NHPT…

Trên thực tế, dù có sự đa dạng trong mô hình tổ chức và nhiệm vụ mục tiêu hoạt động, song các NHPT thường có các điểm chung nổi bật, đó là:

Các NHPT có thể là tổ chức công hoàn toàn, tập đoàn, công ty TNHH, công ty cổ phần do chính quyền trung ương hoặc địa phương quản lý và hỗ trợ, hoạt động không hoàn toàn vì mục tiêu lợi nhuận. Ngoài đạo luật thành lập NHPT, các NHPT phải tuân theo các luật và các văn bản hướng dẫn về hoạt động ngân hàng.

Chính phủ luôn có sự điều chỉnh nhất định các hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Lãnh đạo cao nhất của các NHPT thường là do Chính phủ bổ nhiệm. Bộ Tài chính, NHTW và các Bộ có liên quan sẽ có đại diện tham gia vào các bộ phận quan trọng như Hội đồng quản trị hoặc Ban Kiểm soát.

Nguồn vốn hoạt động của các NHPT không từ tiền gửi của công chúng như các ngân hàng thương mại, mà được Chính phủ các nước cung cấp vốn điều lệ, trực tiếp bổ sung vốn ngân sách hằng năm và cho vay dài hạn với lãi suất thấp; bảo lãnh trái phiếu do NHPT phát hành hoặc các nghĩa vụ nợ của NHPT. Trong trường hợp đặc biệt, NHPT có thể được cấp vốn hoặc tái cấp vốn.

Nhà máy điện gió tại Bạc Liêu là dự án được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tham gia tài trợ

Ở hầu hết các nước, NHPT được hình thành ban đầu từ ngân hàng chính sách, ngày càng đa dạng hóa hoạt động, bao gồm hoạt động ngân hàng đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ tư vấn; Đồng thời, thường được Chính phủ sử dụng như một kênh bơm vốn đặc biệt để cho vay, hoặc đầu tư vào các công ty/dự án nhằm thực hiện mục tiêu chính sách quốc gia và địa phương.

NHPT thường đảm nhận hoạt động hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hoặc các chính quyền địa phương nhằm nâng cao các điều kiện xã hội và cơ sở hạ tầng quốc gia; dẫn dắt phát triển các sản phẩm và thị trường mới; Các khoản đầu tư vào các dự án rủi ro, dự án khởi nghiệp; Hỗ trợ các dịch vụ tư vấn đầu tư, tư vấn quản lý… Đặc biệt, NHPT cung cấp một mạng lưới tín dụng an toàn cho thị trường trong những tình trạng bất thường, như khủng hoảng kinh tế, thảm họa thiên nhiên, an sinh xã hội…

NHPT áp dụng công nghệ ngân hàng tiên tiến và các điều kiện tín dụng linh hoạt; cơ chế xử lý rủi ro không khác biệt so với chuẩn mực chung của hệ thống tài chính - ngân hàng.

Tóm lại, dù có thể khác nhau về quy mô vốn và phạm vi hoạt động, cũng như khác với các ngân hàng thương mại kinh doanh vì lợi nhuận, các NHPT trên thế giới thường là các định chế tài chính công đặc biệt, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, mà phục vụ các mục tiêu công của quốc gia và địa phương, hoạt động theo cơ chế pháp lý đặc thù và thường được Chính phủ bảo lãnh, đứng đằng sau và giám sát chặt chẽ các hoạt động nghiệp vụ.

Bởi vậy, các NHPT được thành lập, tồn tại, phát triển lâu dài, ngày càng được hoàn thiện gắn liền với quá trình điều chỉnh và phát triển chung của mỗi quốc gia; đồng thời, nhiều ngân hàng phát triển quốc gia từng bước mở rộng tầm ảnh hưởng khu vực, quốc tế đồng hành và thông qua các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế của chính phủ các nước.

Định hướng cho mô hình NHPT tại Việt Nam

Từ khi thành lập đến nay, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) có vai trò quan trọng trong triển khai chính sách tín dụng mục tiêu quốc gia. Quy mô tín dụng đầu tư Nhà nước thực hiện qua VDB ngày càng tăng và trực tiếp hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia và địa phương phù hợp trong từng giai đoạn phát triển, nhất là trong hỗ trợ vốn cho một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật và năng lực sản xuất của nền kinh tế, góp phần thu hút đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, bảo vệ môi trường…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động trong giai đoạn phát triển mới, đồng thời triển khai nhiệm vụ theo Đề án Chiến lược phát triển NHPT đã được Chính phủ phê duyệt, thời gian vừa qua VDB đã từng bước cơ cấu lại toàn diện, từ tổ chức bộ máy, nghiệp vụ, tài chính… theo Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 31/7/2019 của Chính phủ. Đến nay, VDB đã thực hiện thu gọn, sắp xếp tinh gọn lại tổ chức bộ máy; tinh giản biên chế, rà soát, quy hoạch đào tạo, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ lãnh đạo có năng lực, trình độ, đạo đức nghề nghiệp. 

Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ký kết Hợp đồng tín dụng xây dựng công trình Thuỷ điện Lai Châu với số vốn 4.600 tỷ đồng.

Như những đánh giá, phân tích nêu trên, có thể khẳng định vị trí, vai trò nhiệm vụ những kết quả đạt được thông qua hoạt động là mô hình như NHPT trong nhiều năm qua là không thể phủ nhận. Trong giai đoạn phát triển đất nước CNH-HĐH theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhiệm vụ dẫn dắt nền kinh tế của nguồn vốn tín dụng Nhà nước là vô cùng quan trọng, góp phần thu hút thêm nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển toàn diện đất nước. Việc duy trì một tổ chức tín dụng - mô hình hoạt động như VDB hiện nay là hợp lý và cần thiết.

Sự tồn tại và mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của VDB là cấp thiết trước nhu cầu tín dụng đầu tư xã hội đang và sẽ tiếp tục tăng mạnh, vốn tín dụng đầu tư Nhà nước tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư xã hội không chỉ phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế, mà còn đáp ứng thực tiễn trong nước về hỗ trợ cho kênh đầu tư từ Ngân sách Nhà nước,  nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP Chính phủ đặt ra cho giai đoạn 2021 - 2025, cũng như góp phần tăng tính đồng bộ thị trường và hoàn thiện thể chế phát triển chung của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.

Để bảo đảm lộ trình tái cơ cấu theo các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng như để nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của VDB trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành đầy đủ và đồng bộ các văn bản về khung pháp lý hoạt động để VDB có cơ sở thực hiện; trong đó: Cần có định hướng để VDB nghiên cứu, hoàn thiện Đề án tổ chức và hoạt động của giai đoạn sau tái cơ cấu... và VDB cũng cần được phép cho vay các dự án công nghiệp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, các dự án trọng điểm quốc gia... để có thể tăng dư nợ cho vay, cải thiện tình hình tài chính, thông qua đó góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội đất nước.


Tác giả: Chuyên gia kinh tế - TS.Nguyễn Minh Phong
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :