Bất chấp tỷ giá tăng, lãi suất vẫn không ngừng giảm
Trước việc tăng trưởng tín dụng vẫn khó bứt phá, các ngân hàng nói chung đã chủ động hạ lãi suất đầu vào để tiết giảm chi phí vốn nhằm đáp ứng mục tiêu giảm thêm lãi suất cho vay trong giai đoạn tới. Trong khi đó, việc tiếp tục giảm mạnh lãi suất tiền gửi của nhóm big 4 lại hàm ý định hướng điều hành chính sách nhiều hơn.
Ngược chiều tỷ giá
Đô la Mỹ đã có những bước tăng đáng chú ý trong tháng 8-2023, với tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng tính đến đầu tuần này (28-8-2023) đã tăng 202 đồng so với cuối tháng 7-2023, đánh dấu mức tăng theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 10-2022 (giai đoạn thị trường ngoại hối liên tục chịu áp lực kéo theo lãi suất tiền gửi cũng đi lên mạnh mẽ).
Tuy nhiên, lần này mọi thứ lại đang diễn ra theo chiều ngược lại: tỷ giá dù có dấu hiệu tăng mạnh nhưng mặt bằng lãi suất vẫn duy trì xu hướng đi xuống, với những bước giảm mới trong tháng 8 này. Đáng lưu ý đà giảm lãi suất tiền gửi không chỉ tiếp tục diễn ra ở nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần tư nhân, mà nhóm NHTM gốc quốc doanh cũng có đợt giảm lãi suất mới, dù nhóm này đang niêm yết lãi suất thấp nhất trên thị trường.
Cụ thể, trong tuần trước cả Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank đồng loạt giảm 0,3 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng về chỉ còn 3%/năm – mức thấp hơn cả trước thời điểm tháng 9 năm ngoái, khi các ngân hàng bắt đầu bước vào cuộc đua lãi suất. Ngoài ra, kỳ hạn 3 – 5 tháng cũng giảm 0,3 điểm phần trăm còn 3,8%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm còn 4,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm 0,5 điểm phần trăm còn 5,8%/năm và trên 12 tháng giảm 0,5 điểm phần trăm còn 5,5%/năm.
Dù có không ít dự báo cho rằng NHNN có thể giảm thêm lãi suất điều hành trong quí 3 này hoặc quí 4 tới, nhưng với xu hướng lãi suất vẫn đang đi xuống vững chắc, có lẽ NHNN cũng không nhất thiết phải ra tay để kéo lãi suất. |
Tiếp nối nhóm big 4 – các NHTM gốc quốc doanh, một loạt ngân hàng khác cũng mạnh tay cắt giảm lãi suất tiền gửi, đặc biệt là ở các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên, trong đó không ít ngân hàng ghi nhận có từ 2-3 đợt giảm liên tiếp chỉ riêng trong tháng 8. Điều này củng cố dự báo xu hướng lãi suất sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới. Hiện nhiều ngân hàng đã đưa khung lãi suất tiền gửi về lại mức trước thời điểm tháng 9 năm ngoái.
Thống kê theo khung lãi suất tiền gửi niêm yết bình quân của 35 ngân hàng nội địa cho thấy, lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng đã giảm thêm 0,15 điểm phần trăm trong tháng 8, kỳ hạn 6-11 tháng giảm đến 0,49 điểm phần trăm, kỳ hạn 12 tháng giảm 0,67 điểm phần trăm và kỳ hạn từ 13 tháng trở lên giảm 0,48 điểm phần trăm.
Việc lãi suất các kỳ hạn dài giảm mạnh hơn đã đưa chênh lệch lãi suất bình quân giữa kỳ hạn 6-11 tháng và 1-5 tháng giảm từ gần 2,1% vào cuối tháng 7 xuống còn hơn 1,7% vào cuối tháng 8; tương tự, chênh lệch giữa kỳ hạn từ 13 tháng trở lên và kỳ hạn 1-5 tháng cũng giảm từ 2,3% về còn quanh 2%.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng đã rớt về mức thấp nhất trong hơn ba năm trở lại đây, với kỳ hạn qua đêm chỉ còn 0,17%/năm tính đến cuối tuần qua, các kỳ hạn 1-2 tuần cũng đã rớt về dưới mốc 0,5%/năm. Có thể thấy xu hướng lãi suất đi xuống đang diễn ra đồng loạt ở các thị trường, trong bối cảnh tình trạng thừa vốn cũng đang diễn ra trên diện rộng ở các ngân hàng.
Giảm sâu vì đâu?
Sau khi có dấu hiệu tăng tốc trong những ngày cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng bất ngờ ghi nhận sự sụt giảm trở lại trong tháng 7. Điều này cho thấy cầu tín dụng trong nền kinh tế vẫn đang khá trì trệ, trong bối cảnh triển vọng kinh tế chưa thật sự khởi sắc. Trước việc tăng trưởng tín dụng vẫn khó bứt phá, các ngân hàng đã chủ động hạ lãi suất đầu vào để tiết giảm chi phí vốn nhằm đáp ứng mục tiêu giảm thêm lãi suất cho vay trong giai đoạn tới.
Trong khi đó, việc tiếp tục giảm mạnh lãi suất tiền gửi của nhóm big 4 lại hàm ý định hướng điều hành chính sách nhiều hơn. Đáng lưu ý là hiện lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng của nhóm này cũng đang cách rất xa mức trần theo quy định hiện nay là 4,75%/năm, vì vậy việc giảm lãi suất của nhóm này mà không cần lãi suất điều hành phải giảm thêm đã giúp dỡ bỏ những áp lực lên chính sách của cơ quan quản lý.
Thực tế trong thời gian gần đây, sau bốn lần giảm lãi suất điều hành liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đã có những lo ngại về việc chính sách tiền tệ nới lỏng trở lại quá nhanh có thể tác động tiêu cực lên tỷ giá và dòng vốn đầu tư quốc tế.
Chính vì vậy, dù có không ít dự báo cho rằng NHNN có thể giảm thêm lãi suất điều hành trong quí 3 này hoặc quí 4 tới, nhưng với xu hướng lãi suất vẫn đang đi xuống vững chắc, có lẽ NHNN cũng không nhất thiết phải ra tay để kéo lãi suất.
Dù vậy, với mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm liên tục từ cuối quí 1-2023 đến nay, đặc biệt giảm sâu trong thời gian gần đây, dư địa để tiếp tục giảm thêm không còn nhiều.
Thứ nhất là việc tỷ giá đang có những tín hiệu tăng nhanh trở lại sẽ kìm hãm đường đi xuống của lãi suất trong thời gian tới. Dù nguồn cung ngoại tệ trong nước vẫn đang dồi dào, đô la Mỹ trên thị trường quốc tế khó có thể tiếp tục đi lên mạnh mẽ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ nâng lãi suất, nhưng diễn biến mất giá mạnh của nhân dân tệ gần đây đang phần nào tác động lên tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong nước.
Thứ hai là việc giá một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, cũng như giá năng lượng tăng vọt gần đây, cũng có thể tác động tiêu cực lên chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian còn lại của năm nay. Sau Ấn Độ, thêm một số quốc gia tiếp bước hạn chế xuất khẩu gạo vì những lo ngại về ảnh hưởng của El Nino, mới nhất là Myanmar.
Thứ ba là tăng trưởng tín dụng cũng có thể tăng nhanh hơn từ đầu quí 4 tới do yếu tố mùa vụ, khi đó thanh khoản hệ thống sẽ giảm bớt mức độ dư thừa, do đó lãi suất cũng khó có thể tiếp tục giảm sâu như thời gian gần đây. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế cả năm nay ở mức 14%, trong khi sau bảy tháng chỉ mới đạt 4,3%, các ngân hàng có thể sẽ tập trung tăng tốc tín dụng hơn trong những tháng tới. Hiện nhiều ngân hàng đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất để kích cầu giải ngân vốn ra.
Việc các dự án đầu tư công đang được đẩy tiến độ nhanh hơn, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang sôi động trở lại, cũng có thể tác động lan tỏa sang khu vực đầu tư tư nhân. Khi đó, nhóm này cũng sẽ tăng nhu cầu vay vốn để tham gia các dự án đầu tư, các gói thầu của khu vực công, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.