A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du lịch Việt Nam kỳ vọng đón 65 triệu lượt khách

Ngành du lịch Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn đạt mục tiêu năm 2022 đón được 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó hơn 90% là khách nội địa

Tại Hội nghị Tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 vừa tổ chức hôm 6-1, Tổng cục Du lịch cho biết năm 2021, dưới tác động của dịch Covid-19, ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. Nước ta chỉ đón khoảng 3.500 lượt khách du lịch quốc tế còn khách du lịch nội địa ước đạt 40 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 180.000 tỉ đồng, giảm khoảng 42% so với năm 2020.

Đẩy mạnh quảng bá điểm đến

Sau 1 năm gần như "đóng băng", du lịch đang có những tín hiệu tích cực với thị trường nội địa và bắt đầu khởi động lại với thị trường khách quốc tế. Năm 2022, ngành du lịch phấn đấu đón 65 triệu lượt khách, trong đó gồm khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 60 triệu lượt khách du lịch nội địa, bằng 150% so với năm 2021; tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỉ đồng.

Ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho rằng để tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế và kích cầu du lịch trong nước, cần đẩy mạnh công tác quảng bá điểm đến an toàn. Bởi an toàn hiện là yếu tố tiên quyết để du lịch trụ vững trước những diễn biến còn rất khó lường của dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam cần mang đến sự an tâm cho du khách thì mới thúc đẩy tăng trưởng du lịch.

Du lịch Việt Nam kỳ vọng đón 65 triệu lượt khách - Ảnh 1.

Ngành du lịch vượt khó, phấn đấu đón 65 triệu lượt khách nội địa trong năm 2022 Ảnh: LAM GIANG

Với du lịch nội địa, cần chọn lọc các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tiêu chí an toàn; thêm nhiều sản phẩm "du lịch xanh" hấp dẫn tại các "điểm đến xanh". Gần đây, ngành du lịch đã nhắc nhiều đến việc thúc đẩy liên kết phát triển các vùng "du lịch xanh". Để phục vụ mục tiêu tăng trưởng du lịch trong năm 2022 thì cần đi vào chiều sâu của hai vấn đề này.

"Nguyên tắc 5K vẫn sẽ là nguyên tắc chủ đạo trong các hoạt động du lịch trong giai đoạn thích ứng với Covid-19. Theo đuổi mục tiêu tăng trưởng du lịch so với năm 2021 nhưng vẫn phải tuân thủ "công thức" đã giúp Việt Nam từng bước đẩy lùi được dịch bệnh. Nghỉ dưỡng tại chỗ cũng là một giải pháp hợp lý trong giai đoạn này. Từ thực tế kinh doanh có chiều hướng khả quan của Saigontourist Group trong quý cuối của năm 2021, đã có những tín hiệu tích cực về loại hình du lịch thời thượng này" - ông Phạm Huy Bình nói.

Đặt khách du lịch làm trung tâm

Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, nhận định thị trường nội địa sẽ vực dậy toàn ngành với tiềm năng, sức bật lớn sau 2 năm liên tiếp gặp khó khăn do Covid-19. Như 3 du thuyền của Lux Group ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Lan Hạ (Hải Phòng), Nha Trang (Khánh Hòa) đều kín lịch vào cuối tuần, thậm chí cả dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

"Xu hướng, nhu cầu của du khách sau dịch đã thay đổi, cần đặt khách du lịch làm trung tâm, tập trung vào những trải nghiệm để thoải mãn nhu cầu của khách hàng; khi họ hài lòng sẽ chi tiêu nhiều hơn và muốn trở lại. Du lịch Việt Nam cần nhìn ở góc độ bền vững, lấy di sản làm tài nguyên và là điểm mạnh nhất du lịch, cần định vị lại thương hiệu, làm mới mình và xúc tiến mạnh mẽ" - ông Phạm Hà nói.

Theo ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Outbox Consulting, thị trường khách du lịch sẽ có nhiều thay đổi sâu sắc không chỉ trong hành vi, nhu cầu du lịch mà còn cả ở sự sẵn sàng trong quyết định du lịch. Bài toán cho ngành du lịch Việt Nam là làm thế nào để cân bằng cán cân cung - cầu trong việc phục hồi hoạt động du lịch. Bên cạnh việc đầu tư cho đổi mới sản phẩm, liên kết phát triển từ góc độ cung ứng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý du lịch và các doanh nghiệp (DN) trong thời gian tới còn là làm sao đưa được các sản phẩm du lịch đến được tay người tiêu dùng, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. 

TRƯƠNG THỊ HỒNG HẠNH, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng:

Khuyến khích DN linh hoạt, sáng tạo

Năm 2022, ngành du lịch Đà Nẵng tập trung triển khai phương án phòng chống dịch Covid-19, quy trình đón, phục vụ khách, quy trình xử lý sự cố y tế tại cơ sở kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng cũng xác định năm 2022 sẽ tập trung khôi phục hoạt động du lịch theo phương châm "chủ động - thích ứng - linh hoạt" và có nhiều biện pháp hỗ trợ DN, người lao động du lịch.

Ngành du lịch khuyến khích sự năng động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt của các DN để cung ứng, đưa vào khai thác phục vụ nhiều sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp tâm lý, thị hiếu và xu hướng khách trong tình hình mới… Để thu hút du khách, Đà Nẵng cũng tiếp tục triển khai miễn phí tham quan các khu điểm du lịch do nhà nước quản lý trong năm 2022.

Ông PHẠM VĂN NGHIỆP, Phó Chủ tịch UBND TP Phú Quốc:

Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành

Mục tiêu trong năm 2022, Phú Quốc đón khoảng 6 triệu lượt khách nội địa và khoảng 300.000 lượt khách quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025, "đảo ngọc" sẽ đón 10 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch trở lên, tăng bình quân 15%/năm, trong đó khách quốc tế khoảng 4 triệu lượt khách.

Phú Quốc sẽ đẩy mạnh hợp tác du lịch với các tỉnh, thành trong nước và các nước khác. Tập trung phát triển du lịch "đảo ngọc" đi vào chiều sâu, chất lượng cao, bền vững để đến năm 2025, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của thành phố, góp phần tạo động lực, sức bật cho nhiều lĩnh vực, ngành, nghề khác cùng phát triển.

B.Vân - H.Tuấn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :