Du lịch hồi sinh, sẵn sàng bứt phá
Theo Tổng cục Du lịch, trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, không chỉ khách nội địa mà khách quốc tế cũng có những tín hiệu tích cực
Vừa kết thúc kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, nhiều địa phương, doanh nghiệp (DN) đã lập tức bắt tay triển khai chiến lược đón khách trong mùa du lịch hè 2022 cũng như đón khách quốc tế mùa cao điểm cuối năm.
"Chạy đà" cho cơ hội phục hồi như trước dịch
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Du lịch cập nhật tình hình kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 cho thấy một số tỉnh, thành phố đã đạt và vượt chỉ tiêu phục vụ khách so với cùng kỳ năm ngoái. Có 10 địa phương đạt và vượt chỉ tiêu phục vụ khách du lịch với những con số ấn tượng.
Chẳng hạn, Thanh Hóa đón 898.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt khoảng 577.400 lượt, tăng 85,6% so với cùng kỳ năm 2021; tổng thu du lịch khoảng 1.960 tỉ đồng, tăng 123,2%. TP HCM đón 620.000 lượt khách, công suất phòng đạt 65%-70%, tổng thu 1.610 tỉ đồng. Hà Nội phục vụ hơn 550.000 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước trên 1.500 tỉ đồng. Cần Thơ, Quảng Ninh, An Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Trị... cũng là những địa phương lạc quan với du lịch.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài hơn so với nhiều năm (4 ngày), lại vào thời điểm đầu hè, thích hợp cho những chuyến đi chơi cùng gia đình, hội nhóm... đã tạo điều kiện thuận lợi để du lịch hồi phục. Nhiều địa phương trên cả nước đã tăng cường liên kết, xây dựng sản phẩm du lịch mới, chỉnh trang không gian tại các cơ sở lưu trú và khu, điểm du lịch để thu hút du khách.
Rất đông du khách tham quan Khu Du lịch Bà Nà Hills ở TP Đà Nẵng dịp lễ vừa qua. Ảnh: BÌNH AN
Du khách trở lại khiến DN du lịch, hàng không tin tưởng lộ trình phục hồi sẽ nhanh chóng hơn. Đại diện Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết tính từ ngày 28-4 đến 4-5, số chuyến bay nội địa của hãng tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số khách nội địa đạt hơn 350.000 người, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019. Nhu cầu đi du lịch của hành khách tăng trưởng tốt. Những sân bay đã tấp nập trở lại như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Cam Ranh... là tín hiệu tích cực cho DN và ngành hàng không phục hồi.
Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Tổng Giám đốc Saco Travel, cho hay dịp lễ vừa qua, lĩnh vực vận chuyển của công ty đạt công suất 100%; nhiều tour, dịch vụ du lịch đắt khách... đem lại kỳ vọng rất lớn. Không chỉ Saco mà các DN trong ngành du lịch cũng đang "lấy đà" cho mùa hè sắp tới với nhiều tour chất lượng cao, giá hợp lý để thu hút du khách.
"Khó khăn vẫn còn nhưng chúng tôi thấy cơ hội để phục hồi nhiều hơn, cả khách đi du lịch trong nước và nước ngoài, nên đang nỗ lực hết sức để trở lại nhịp độ như trước dịch" - ông Tấn tin tưởng.
Các cơ sở dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khách sạn cũng hồ hởi với những tín hiệu phục hồi nhanh của thị trường. Ông Lê Văn Đồng, chủ nhà hàng Vườn Cau (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), đánh giá dịp lễ vừa qua, lượng khách đã đạt đến 60% so với năm 2019 là tín hiệu rất phấn khởi sau 2 năm đình trệ vì dịch bệnh. Nhiều DN đã hoạt động ổn định hơn nên nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng cho cán bộ, nhân viên cũng sẽ tăng trở lại... Ông Đồng cho biết đang lên kế hoạch mở rộng thêm chi nhánh để tận dụng cơ hội này trong dịp hè sắp đến.
Doanh nghiệp tự tin "bung" mạnh
Theo ông Nguyễn Lâm An - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun World, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà (Đà Nẵng) - khi du lịch hồi sinh, không chỉ du khách phấn khởi, các ngành dịch vụ phụ trợ cũng theo đó phát triển. Hàng ngàn người lao động từng bị thất nghiệp trước đó do dịch bệnh đã có thể đi làm trở lại, từ đó tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.
"Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, gắn bó mật thiết tới các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Chỉ riêng tại Sun Group đã có hơn 10.000 người lao động ở khắp cả nước và dự báo sẽ cần thêm hàng ngàn người nữa để đáp ứng quy mô phát triển trong tương lai. Dự kiến, đến năm 2025, chỉ riêng Sun World Ba Na Hills có thể cần đến 10.000 nhân viên khi các hạng mục sản phẩm, dịch vụ mới đi vào hoạt động đầy đủ" - ông An phân tích.
Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, cho biết sản phẩm du lịch chính của DN thời gian qua là khách đoàn. Phân khúc này cũng đang có sự hồi phục tích cực, khi các công ty bắt đầu cho nhân viên đi du lịch trở lại sau 2 năm. Thị trường du lịch đang hồi phục theo đúng kỳ vọng, đem lại cơ hội lớn cho DN.
"Nếu dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, khách đông nhưng DN chưa dám kỳ vọng lớn thì qua đợt lễ 30-4 và 1-5 vừa rồi, chúng tôi mạnh dạn "bung" lớn bằng việc đưa ra chiến lược dài hơi hơn, làm việc với đối tác để đặt dịch vụ, khách sạn... giữ chỗ nhằm có mức giá hợp lý, cạnh tranh" - ông Huy dẫn chứng.
Từ thực tế hoạt động của DN trong dịp lễ và thông tin từ các DN trong ngành, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Viettourists, tin rằng ngành du lịch thật sự đang phục hồi. Thậm chí, một vài nơi du lịch phục hồi mạnh đến mức địa phương và DN không đáp ứng hết nhu cầu của du khách do thiếu nguồn nhân lực sau dịch. Điều này đem lại cơ hội và kỳ vọng rất lớn.
"Trong bối cảnh này, chúng tôi đã họp bàn và xây dựng ngay chiến lược cho kỳ nghỉ hè sắp tới, tổ chức lại bộ máy, liên hệ lại nhà cung cấp, đối tác, hàng không để xây dựng thêm các tour trong nước và nước ngoài. Trong 3 tháng hè, dự kiến lượng khách khai thác sẽ đạt khoảng 60% so với trước dịch" - ông Hải tự tin.
Về phía hiệp hội du lịch, ông Trần Minh Đức - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa, Chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa - nhận xét đây là sự trở lại kịp thời, giúp các đơn vị có cơ hội làm mới chính mình, rút kinh nghiệm sau thời gian dài đóng cửa. "Du lịch trong thời gian tới sẽ phát triển vượt bậc khi các DN lữ hành nâng cao chất lượng, có sản phẩm mới để phục vụ du khách" - ông Đức dự báo.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho rằng địa phương này hiện có lợi thế là một trong những địa điểm an toàn sau đại dịch, tạo điều kiện mở cửa du lịch. Ngoài việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng đậm chất biển đảo, ngành du lịch tỉnh đang khảo sát, xây dựng các tour tuyến kết hợp, liên kết vùng giữa Khánh Hòa và Đà Lạt, Khánh Hòa và Đắk Lắk...
Theo các DN, sự trở lại của du lịch - nhất là khi nhiều địa phương đang đầu tư hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới hấp dẫn - chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ đưa kinh tế phục hồi và bứt phá mạnh mẽ trở lại.
Tuy vậy, để du lịch phục hồi bền vững, ông Nguyễn Lâm An kiến nghị Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các địa phương tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng DN đầu tư sản phẩm, dịch vụ du lịch mới nhằm thu hút du khách. Đặc biệt, cần ưu tiên đầu tư chiều sâu cho văn hóa - nghệ thuật, tổ chức các sự kiện đẳng cấp để đa dạng hóa trải nghiệm cho du khách tại các điểm đến. Thực tế, điểm đến nào có các sự kiện, show diễn hấp dẫn, nơi đó có sức hút lớn hơn hẳn so với các điểm khác.
Ngoài ra, các DN còn đề xuất Chính phủ và các địa phương tích cực kêu gọi, hỗ trợ DN tăng cường đầu tư cho sản phẩm, dịch vụ dành cho khách du lịch 24/24 giờ, để du khách có thể thoải mái vui chơi, trải nghiệm cả ngày và đêm, thay vì phải đi ngủ sớm, nhất là ở những trung tâm du lịch như Hà Nội, TP HCM, Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Ninh...
Tín hiệu tích cực từ khách quốc tế
Theo Tổng cục Du lịch, số lượng du khách quốc tế tới một số địa phương trọng điểm du lịch dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, TP Đà Nẵng đã đón 18 chuyến bay từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc với khoảng 7.400 lượt khách, tăng gần 16 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hải Phòng đã đón 4.500 lượt khách quốc tế, chủ yếu tập trung tại 2 khu du lịch Đồ Sơn và Cát Bà... Đây là tín hiệu tốt cho mùa du lịch đón khách quốc tế của Việt Nam năm nay (từ khoảng tháng 9 trở đi).
Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, dù lượng khách tăng nhưng nhân lực ngành du lịch vẫn bị thiếu hụt nghiêm trọng. Do tuyển gấp và một phần lấy từ dân địa phương, chưa qua đào tạo nên chất lượng phục vụ của họ chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của du khách. Vì vậy, qua mạng xã hội, truyền thông, vẫn có một số phản ánh của người dân, du khách về chất lượng dịch vụ phục vụ khách.