A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp du lịch Quảng Nam mong kéo dài thời gian giảm thuế, phí

Các doanh nghiệp du lịch đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất mong tỉnh Quảng Nam hỗ trợ, tháo gỡ để có thể phục hồi, phát triển mạnh mẽ trở lại sau đại dịch.

Còn nhiều khó khăn sau khi mở cửa trở lại du lịch

Tại hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam diễn ra vào ngày 26/5, ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, 2 năm qua, ngành du lịch Quảng Nam phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, sự sụt giảm mạnh về lượng khách du lịch gây ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu tăng trưởng về du lịch; thiệt hại hơn 15.000 tỷ đồng, trên 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động, khoảng 14.000 lao động ngành du lịch mất việc làm.

Doanh nghiệp du lịch Quảng Nam mong kéo dài thời gian giảm thuế, phí

Toàn cảnh hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Ngoài ra, vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong việc mở cửa đón khách. Hiện nay, các chuyến bay quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn so với năm 2019, chiến tranh giữa Nga – Ukraine gây khó khăn cho việc đi lại của du khách nhiều nước tới Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng, gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch. Một số thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chưa sẵn sàng mở cửa du lịch, đây cũng là một trong khó khăn lớn đối với ngành du lịch khi mở cửa đón khách.

Ngoài ra, chính sách thị thực (visa) còn hạn chế, những ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng được các xu hướng du lịch sau dịch, chưa cạnh tranh với các nước trong khu vực. Thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch khi ngành du lịch hoạt động trở lại.

“Hoạt động du lịch hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp còn các có khoản nợ ngân hàng, bảo hiểm, thuế; tình trạng thiếu hụt lao động khi các doanh nghiệp hoạt động đón khách; sự cạnh tranh của các điểm đến cũng là một trong những thách thức lớn đối với du lịch Quảng Nam”, ông Sơn cho hay.

Nhiều kiến nghị, đề xuất từ doanh nghiệp du lịch

Tại hội nghị, các doanh nghiệp du lịch đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất các Sở, Ban ngành, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam hỗ trợ, tháo gỡ.

Các doanh nghiệp du lịch tỉnh đưa ra kiến nghị tiếp tục kéo dài thời gian giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp đến năm 2023. Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ và không áp dụng lãi phạt chậm trả cho các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng dịch COVID-19 đến tháng 6/2023; xem xét tiếp tục hỗ trợ giảm giá điện bán cho các cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán điện kinh doanh sang giá bán lẻ cho các ngành đầu tư sản xuất. Đồng thời, có chính sách miễn giảm thuế, giảm phí giao thông đường bộ đối với các doanh nghiệp lữ hành du lịch trong năm 2022.

Doanh nghiệp du lịch Quảng Nam mong kéo dài thời gian giảm thuế, phí

Các doanh nghiệp kiến nghị được tiếp tục kéo dài thời gian giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp đến năm 2023

Doanh nghiệp cũng đề nghị nâng tỷ lệ giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp dịch vụ du lịch từ 30% lên 70% so với năm 2021. Tiếp tục kéo dài thời gian giảm tiền thuê đất đến hết năm 2023. Bên cạnh đó, tiếp tục kéo dài thời gian giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp đến năm 2023.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị cần có sự sắp xếp tập trung các hoạt động vui chơi giải trí tại khu vực phố cổ Hội An vào buổi tối để khách du lịch có thể tham gia được nhiều hoạt động. Đồng thời đề nghị chính quyền địa phương cần chấn chỉnh kịp thời tình trạng chèo kéo, mồi có khách du lịch để không gây ảnh hưởng xấu đến du lịch Quảng Nam.

Đặc biệt, cộng đồng du lịch Quảng Nam cho rằng, do ảnh hưởng của vụ tai nạn chìm cano tuyến Cù Lao Chàm nên lượng khách giảm mạnh, khách du lịch e ngại trong việc lựa chọn tour Cù Lao Chàm để tham quan. Do đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan sớm đưa ra những kết luận vụ tai nạn chìm cano để trấn an du khách và nêu rõ các phương án khắc phục giúp cano an toàn hơn trên tuyến Cù Lao Chàm.

Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn tỉnh tham mưu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động du lịch xanh, khai thác các dòng sản phẩm mới phù hợp với định hướng của tỉnh, góp phần xây dựng du lịch Quảng Nam ngày càng phát triển đa dạng, bền vững; Quy hoạch, phân khu, phân vùng du lịch tạo ra không gian riêng theo chủ đề, phù hợp với các thị trường khách mà tỉnh hướng đến như châu Âu, châu Á, tránh khai thác đại trà, tạo ra xung đột dòng khách, không hiệu quả...

Doanh nghiệp du lịch Quảng Nam mong kéo dài thời gian giảm thuế, phí
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị cần có sự sắp xếp tập trung các hoạt động vui chơi giải trí tại khu vực phố cổ Hội An vào buổi tối để khách du lịch có thể tham gia được nhiều hoạt động.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Trần Văn Tân, trong suốt thời gian bùng phát dịch Covid-19, Quảng Nam đã tích cực đồng hành, tạo mọi điều kiện tốt nhất trong khuôn khổ để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch. Về các kiến nghị, đề xuất ngoài thẩm quyền của địa phương, tỉnh sẽ tổng hợp và có văn bản kiến nghị chính thức đến Quốc hội để xem xét giải quyết, hỗ trợ. Các doanh nghiệp cần áp dụng và làm tốt các bộ tiêu chí du lịch xanh. Bên cạnh đó, chuyển đổi số ngành du lịch cũng cần được chú ý, nên áp dụng các phần mềm về du lịch thông minh, khuyến khích đưa các hình thức thanh toán thương mại điện tử. “Ngoài ra, trong thời gian tới cần phải đẩy mạnh liên kết, phát triển du lịch giữa các địa phương với nhau, giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Tăng cường liên kết các dịch vụ như hàng không, thương mại…”, ông Tân nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
  • :
  • :