A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để ngành du lịch cất cánh

Những tín hiệu tích cực của du lịch Việt Nam khi chuẩn bị mở cửa hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới đang đem lại nhiều cơ hội phục hồi cho ngành "công nghiệp không khói".

Sau 2 năm "đóng băng", hàng trăm ngàn hướng dẫn viên, điều hành tour, nhân viên khách sạn, thậm chí là các ông chủ doanh nghiệp du lịch… đã dần đổi nghề và chỉ số ít có nhu cầu quay trở lại. Lữ hành đã khó, các khách sạn, nhà hàng còn khó hơn vì sau 2 năm đóng cửa, nhân sự rơi rớt, lại thêm cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, muốn nâng cấp, sửa chữa thì phải có tiền và thời gian. Thêm vào đó, tay nghề của đội ngũ nhân lực ngành dịch vụ khách sạn, nhà hàng; kỹ năng và kiến thức của hướng dẫn viên đã bị mai một rất nhiều sau gần 2 năm nghỉ việc. Ngoài ra, tâm lý du khách còn e ngại khi di chuyển và tham quan du lịch...

Vì lẽ đó, rất cần chú trọng việc đào tạo lại nguồn nhân lực, qua việc trang bị kiến thức, kỹ năng trước tình hình mới. Ngoài nghiệp vụ chuyên môn, hướng dẫn viên du lịch còn phải có kiến thức về phòng chống dịch Covid-19 trong tâm thế mới hay những kiến thức, kỹ năng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng với du lịch thông minh...

Việc phục hồi ngành du lịch đang đòi hỏi cần có những sản phẩm thích ứng và phù hợp. Ngoài những yếu tố quan trọng như đáp ứng nhu cầu thị trường, những trải nghiệm du lịch, tính đa dạng và sáng tạo, tính giáo dục; sản phẩm du lịch còn cần đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh mới. Việc định hướng phát triển chiến lược sản phẩm du lịch mang tính đại trà hay chuyên biệt cần cân nhắc kỹ lưỡng trong mỗi giai đoạn phát triển du lịch nhằm tối ưu việc sử dụng tài nguyên du lịch.

 

Đặc biệt, để du lịch sớm ổn định trở lại, cần có sự phối hợp, hỗ trợ và thống nhất trong triển khai giữa các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương, nhất là những địa phương trọng điểm du lịch. Cần thiết có những chính sách rõ ràng từ cơ quan quản lý nhà nước, tập trung đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, từng bước và có những lộ trình bài bản. Đồng thời, tạo cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng những sản phẩm du lịch mới phù hợp với tình hình hiện nay, hỗ trợ kích cầu và quảng bá cho các sản phẩm du lịch mới mà các doanh nghiệp triển khai.

Cần xây dựng và hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về bảo đảm an toàn dịch bệnh; thống nhất các quy định và quy trình kiểm soát, bảo đảm an toàn giữa các địa phương trong cả nước. Đổi mới chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch tiến hành triển khai kế hoạch, đề án phục hồi, phát triển sản phẩm du lịch mới lạ, đặc sắc nhằm thu hút du khách thời gian tới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :