Cú hích cho hàng không, du lịch
Từ hôm nay (15-2), Việt Nam sẽ không hạn chế tần suất khai thác các đường bay quốc tế thường lệ đến tất cả thị trường, trở lại bình thường như trước dịch Covid-19, theo thông báo của Cục Hàng không Việt Nam với nhà chức trách hàng không các nước, vùng lãnh thổ.
Đây là thông tin tích cực, quyết định kịp thời cho không chỉ ngành hàng không, du lịch mà còn đóng góp cả vào việc khôi phục kinh tế. Hàng không đóng vai trò tiên quyết trong việc mở cửa du lịch quốc tế, khi khách du lịch đi lại bằng đường hàng không chiếm tỉ trọng lớn, nhất là du khách quốc tế. Do đó, muốn mở cửa giao thương, đi lại, du lịch thì hàng không phải đi đầu. Đây là động thái rất tích cực của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam, tạo tiền đề cho cú hích về mở cửa du lịch quốc tế.
Nhìn ở góc độ rộng, mở cửa hàng không đi kèm với bảo đảm an toàn dịch bệnh nghiêm ngặt, do đó việc Chính phủ đồng ý mở cửa với hàng không cho thấy đã tính toán những điều kiện cần thiết khi tỉ lệ tiêm phòng vắc-xin Covid-19 của cả nước ở mức cao. Điều này tạo tiền đề, cơ sở cho mở lại du lịch, giúp cho du lịch thấy được hướng đi để chuẩn bị triển khai các bước khôi phục từ bây giờ.
Tuy nhiên, điều các doanh nghiệp cần nhất lúc này cùng với công bố mở cửa hàng không là Chính phủ công bố ngay một mốc thời gian cụ thể mở cửa hoàn toàn ngành du lịch. Còn hiện tại, mốc 31-3 mở cửa du lịch quốc tế mới chỉ là dự kiến. Mà dự kiến thì có thể mở hoặc không mở, làm cho các doanh nghiệp du lịch rất phập phồng.
Nếu chính thức có mốc thời gian cụ thể về mở cửa du lịch quốc tế, doanh nghiệp sẽ tập trung vào phát động thị trường; lên kế hoạch quảng bá; đưa bộ máy vào làm việc trở lại; kết nối với đối tác để bán tour tuyến, giới thiệu sản phẩm cho khách; xây dựng quy trình, quy chuẩn đón khách bảo đảm an toàn... Mốc thời gian cụ thể mở cửa du lịch quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp không bị động và chịu rủi ro cao, vì nếu thời gian chỉ là dự kiến sẽ khiến doanh nghiệp không yên tâm đầu tư cho sự trở lại. Các hãng nước ngoài cũng rất khó đặt kế hoạch chừng nào để đưa khách vào. Nếu không có mốc thời gian cụ thể thì doanh nghiệp du lịch lại tiếp tục "nghe cho biết" chứ chưa mạnh dạn để triển khai.
Nhu cầu du lịch luôn có, nếu có chính sách dẫn dắt đi trước, đi xa thì sẽ tận dụng được sức bật lò xo của thị trường, tránh tình trạng như dịp Tết vừa qua, khách đông nhưng doanh nghiệp du lịch lại không có khách. Trong khi du khách lại phải chịu dịch vụ kém, thậm chí không có dịch vụ để bán cho khách...
Nếu làm tốt, xúc tiến, quảng bá tốt sẽ thúc đẩy, tạo cơ hội cho lộ trình phục hồi trong thời gian tới. Đơn cử như với chúng tôi, nếu những giải pháp đồng bộ được triển khai tốt như hiện tại, trong năm nay, Vietravel Holdings có khả năng khôi phục hoạt động kinh doanh 60%-70% so với thời điểm năm 2019 và cả ngành du lịch cũng là cơ hội rất lớn.
Thái Phương ghi