Vì sao người dùng TikTok “chạy” sang Instagram, YouTube?
Ảnh hưởng thu nhập từ quảng cáo, bán hàng online đang khiến nhiều người dùng TikTok “chạy” sang các nền tảng khác như Instagram hay YouTube để … giữ mối.
TikTok được xem là "cỗ máy kiếm tiền" với nhiều nhà sáng tạo nội dung, các nhà quảng cáo và những người bán hàng online.
Dữ liệu do Influencer Marketing Hub cung cấp cho biết thu nhập trung bình trong năm 2021 của một người có ảnh hưởng trên mạng này tại Mỹ là hơn 108.000 USD.
Các nhà quảng cáo cũng không bỏ lỡ thời cơ làm giàu từ TikTok. Thống kê cho thấy nền tảng xã hội xuất xứ Trung Quốc này nắm 2,3% thị trường quảng cáo kỹ thuật số thế giới, chỉ đứng sau Google (bao gồm YouTube), Facebook (bao gồm Instagram), Amazon và Alibaba.
Do đó, TikTok nổi lên như một phần quan trọng của kinh tế sáng tạo, mang về khoảng 100 tỉ USD hàng năm.
Tuy nhiên, nỗi lo TikTok xâm phạm quyền riêng tư và thu thập thông tin "đe doạ an ninh nước Mỹ" dẫn đến nguy cơ mạng xã hội này bị cấm tại Mỹ.
Quốc hội Mỹ hồi cuối tháng 3 đã tổ chức phiên điều trần với Giám đốc điều hành (CEO) TikTok Zhou Zi Chew. Hiện chưa có quyết định cuối cùng, song các nhà phân tích lo ngại cho "số phận" của TikTok tại Mỹ trong thời gian tới.
Số phận của TikTok vẫn đang "treo lơ lửng" ở Mỹ. Ảnh: Shutterstock
Trong bối cảnh đó, hàng loạt các nhà sáng tạo nội dung và chủ doanh nghiệp nhỏ "sống" dựa vào TikTok tỏ ra lo lắng.
CNBC cho hay đã có nhiều nhà sáng tạo nội dung, nhà quảng cáo bán hàng online trên ứng dụng TikTok đã và đang từng bước "chạy" sang các nền tảng mạng xã hội khác, nổi bật như Instagram và YouTube.
"Sẽ rất thất vọng nếu như TikTok bị cấm ở Mỹ. Tôi đã chuẩn bị cho tương lai không TikTok bằng cách thu hút lượng khán giả với sự đa dạng nội dung trên các nền tảng khác nhau " – nhà sáng tạo nội dung Vivian Tu ở TP Miami, bang Florida nói.
Theo CNBC, nhiều nhà sáng tạo nội dung khác cũng "chạy" từ TikTok sang các nền tảng mạng xã hội khác để duy trì lượng người theo dõi và cũng là để giữ … mối làm ăn.