Sầu riêng ế khách, bán cả ngày chỉ có vài người hỏi mua
Trái ngược với cảnh nhộn nhịp mua bán sầu riêng mỗi khi vào mùa, thị trường bán lẻ sầu riêng tại TP HCM năm nay khá ảm đạm vì lượng hàng ít và sức mua chậm
Chị Xuyến (40 tuổi), chủ vựa sầu riêng ở đường Gò Dầu (quận Tân Phú), đã có bảy năm kinh nghiệm bán sầu riêng. Hiện chị đang bán hai loại sầu riêng phổ biến là Monthong Thái và Ri6 với mức giá dao động từ 50.000 – 110.000 đồng/kg.
Mấy năm trước việc buôn bán rất tốt nhưng năm nay, ngày nào chị cũng ngồi bán từ 8 giờ sáng đến 23 giờ mà chỉ lác đác vài người hỏi mua, đa số chọn trái nhỏ hoặc vừa tầm 1,5 - 2kg.
"Giờ kinh tế khó khăn, ai cũng quản lý chặt chi tiêu, ít người dám bỏ ra 500.000 – 700.000 đồng để mua một trái sầu riêng lớn 4-5kg để ăn hay biếu tặng như trước" – chị Xuyến nói.
Chị Xuyến tận tay lựa sầu cho khách đi đường, tối là thời điểm mà chị bán được nhất. Ảnh: Thư Nguyễn
Tương tự, ông Công (50 tuổi), chủ vựa sầu riêng nằm trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình), cũng than thở, mặc dù vựa của ông có lợi thế về lượng xe cộ qua lại đông đúc nhưng lượng khách đến mua cũng "đếm trên đầu ngón tay".
Chủ vựa với chục năm thâm niên chia sẻ ế ẩm là tình trạng chung của hầu hết các tiểu thương kinh doanh sầu riêng trên đoạn đường này. Để cắt giảm chi phí, ông không tuyển thêm nhân viên mà tự mình kiểm tra hàng, bày hàng sầu riêng ra ngoài và tự bán.
Thỉnh thoảng có một số người quen đến phụ giúp ông bày bán, đồng thời cùng ông ngồi làm vài ly bia để khuấy động bầu không khí ảm đạm vì vắng khách này.
Ông Công bày hàng sầu riêng ra ngoài mặt tiền để khách dễ thấy hơn. Ảnh: Thư Nguyễn
Để cải thiện tình trạng ế ẩm, một số chủ vựa chủ động bán sầu riêng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, chị Hà (quận 5), người chuyên bán trái cây online, cho biết trong các loại quả thì sầu riêng "kén người bán" nhất. Bởi khi chọn sầu riêng thường dựa vào may rủi, muốn biết trái ngon hay dở thì chỉ đến lúc bổ ra mới biết. Là dân buôn mua và bán lại không thể bổ tại chỗ nên chị đành chọn cách "bao đổi trả" để khách yên tâm mua, hoặc khách mua thêm một trái sẽ được bù tiền cho phần trái bị sượng.
Ngặt nỗi, chính điều này đã khiến chị gặp khó trăm bề, dù chị đã bỏ công sức ra lựa chọn quả to đầy đặn, thậm chí có trái nồng nặc mùi thơm nhưng khi khách về bổ ra mới biết sầu riêng đã bị hư hết.
"Mình buôn bán phải có tâm, giữ uy tín, khách mới tin tưởng và quay lại ủng hộ. Nhà vườn nào hiểu thì họ chịu 50% nhưng cũng có người ngó lơ" - chị Hà tâm sự và cho biết sau nhiều lần bán lỗ, chị đã quyết định loại sầu riêng ra khỏi loại mặt hàng đang bán.
Sầu riêng chất đống tại các vựa bán sầu riêng ở TP HCM. Ảnh: Thư Nguyễn
Liên quan tới nguồn cung sầu riêng cho thị trường, đại diện Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cho biết chợ có kinh doanh mặt hàng sầu riêng nhưng không có thông kê chi tiết về số lượng vì hàng về ghép trên xe có nhiều mặt hàng. Ngoài sầu riêng Việt Nam, chợ còn có sầu riêng Thái Lan, thường là loại mini, phân khúc giá rẻ còn sầu riêng loại 1 của Thái Lan phần lớn xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, phân tích sầu riêng là loại trái cây đắt tiền, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc. Do đó, người dân sẽ canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn, thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc vì bán được giá cao nhất. Tỉ lệ sầu riêng tiêu thụ nội địa không nhiều do giá mặt hàng này cao so với thu nhập của người dân. Chỉ những thời điểm xuất khẩu ùn ứ hoặc quá rộ mùa, người dân trong nước mới có nhiều hơn cơ hội thưởng thức sầu riêng.
"Do thị trường Trung Quốc mua sầu riêng giá cao nên Thái Lan cũng đang tìm cách tập cho người Trung Quốc quen với sầu riêng cỡ nhỏ, nếu họ thành công thì sầu riêng mini cũng không còn nhiều tại thị trường Việt Nam" – ông Nguyên dự báo.