Giá cao su thế giới tăng - giảm trái chiều
Giá cao su thế giới biến động nhẹ, trong đó RSS3 trên sàn Osaka giảm 0,46% xuống 2.263 USD/tấn, TRS20 trên sàn Singapore tăng 0,12% lên 1.702 USD/tấn.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến tương đối trầm lắng khi thị trường Mỹ và Anh đóng cửa nghỉ lễ. Chốt phiên giao dịch ngày đầu tuần, chỉ số MXV-Index đi ngang quanh mức 2.202 điểm. Trên thị trường năng lượng, giá hai mặt hàng dầu thô biến động trong biên độ hẹp. Trong khi đó, giá cao su ghi nhận diễn biến trái chiều trên hai sàn Osaka và Singapore.
![]() |
Chỉ số MXV-Index |
Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường dầu thô
Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, thị trường năng lượng ghi nhận biến động nhẹ với giá dầu dao động trong biên độ hẹp. Cụ thể, giá dầu WTI giữ nguyên ở mốc 61,5 USD/thùng, trong khi dầu Brent chỉ giảm nhẹ 0,06%, xuống còn 64,7 USD/thùng.
![]() |
Bảng giá năng lượng |
Tâm lý thận trọng tiếp tục bao trùm thị trường khi nhà đầu tư đang chờ đợi quyết định của OPEC+ về kế hoạch sản lượng tháng 7, dự kiến được bàn thảo trong cuộc họp quan trọng diễn ra trong tuần này. Theo một số nguồn tin nước ngoài, các nước OPEC+ đã quyết định thay đổi ngày họp sớm hơn một ngày. Cuộc họp này tách biệt với cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng của OPEC+ dự kiến diễn ra vào ngày 28/5.
Cho tới nay, khả năng nhóm này tiếp tục nâng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày vẫn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, nếu được thông qua, đây sẽ là tháng thứ ba liên tiếp OPEC+ tăng mạnh sản lượng, vượt xa kế hoạch ban đầu chỉ khoảng 137.000 thùng/ngày, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dư cung và tiếp tục tạo áp lực lên giá dầu.
Bên cạnh đó, thị trường cũng đón nhận thông tin tích cực từ phía Mỹ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút lại đề xuất áp thuế 50% lên hàng nhập khẩu từ EU, đồng thời khôi phục thời hạn đàm phán thương mại giữa hai bên đến ngày 9/7.
Đề xuất áp thuế 50% được đưa ra vào ngày 23/5 với mức thuế có hiệu lực ngay từ ngày 1/6 đã khiến thị trường lo lắng về những cẳng thẳng thương mại mới, đặc biệt trong bối cảnh thời hạn hoãn thuế của Nhà Trắng đang không còn nhiều. Tuy nhiên, tin tức tích cực từ người đứng đầu Nhà Trắng trong ngày hôm qua đã giúp thị trường lạc quan hơn phần nào, qua đó kìm hãm đà giảm của giá.
Thị trường cao su tiếp tục biến động
Trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, nhiều mặt hàng như cà phê hay ca cao đều tạm nghỉ giao dịch khi thị trường bước vào kì nghỉ lễ Memorial day của Mỹ và Spring Bank Holiday của Anh. Trong khi đó, dầu cọ Malaysia cùng hai mặt hàng cao su trên các sàn Osaka và Singapore vẫn duy trì giao dịch bình thường.
Khép lại phiên giao dịch ngày 26/5, giá cao su biến động nhẹ, hợp đồng cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 7 trên sàn Osaka giảm nhẹ 0,46%, tại mức giá 2.263 USD/tấn, trong khi đó hợp đồng cao su TRS20 giao kỳ hạn tháng 7 trên sàn Singapore tăng 0,12%, hiện đang ở mức giá 1.702 USD/tấn.
![]() |
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp |
Ở phía nguồn cung, theo số liệu từ chính phủ các nước, tổng lượng xuất khẩu cao su trong quý I của Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Malaysia đạt 1,76 triệu tấn, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Thái Lan tăng 1,8%, Indonesia tăng 7,6%, trong khi Việt Nam giảm 7,5% và Malaysia giảm 3%.
Hiện tại, các nước ở Châu Á đã đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch chính. Tại Nhật Bản, mùa thu hoạch đã bắt đầu và dự kiến sẽ góp phần làm tăng nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, tại Thái Lan, nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, dự báo mưa lớn đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lũ lụt, có thể gây gián đoạn hoạt động sản xuất.
Tại Malaysia, bang Sabah đang cố gắng phục hồi ngành cao su với các chương trình hiện đại hóa do Cơ quan phát triển tiểu điền cao su (RISDA) lên kế hoạch triển khai, như xây dựng kho chứa công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật cạo mủ tiên tiến và thúc đẩy sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, nhằm nâng cao năng suất và đảm bảo phát triển bền vững cho ngành.
Ở phía nhu cầu, tổng lượng nhập khẩu cao su trong quý I của Mỹ, EU và Trung Quốc đạt 1,22 triệu tấn, tăng mạnh 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng gần 50%, đạt 780,6 nghìn tấn, trong khi EU giảm 10% xuống còn 255,4 nghìn tấn.
Nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới, đặc biệt trong ngành sản xuất lốp xe, đã giúp hạn chế đà giảm giá. Xuất khẩu lốp xe cao su của Trung Quốc trong bốn tháng đầu năm 2025 tăng 6,2% so với cùng kỳ, đạt 3,03 triệu tấn, theo số liệu hải quan được trích dẫn bởi Everbright Futures.
Đáng chú ý, theo công ty nghiên cứu Jato Dynamics, hãng xe điện BYD của Trung Quốc đã có lần đầu tiên vượt qua Tesla tại thị trường châu Âu vào tháng 4, với số lượng xe giao cao hơn 0,92%. Điều này đã xoa dịu những lo ngại trên thị trường, qua đó là lực đỡ quan trọng cho giá cao su trên thị trường.
Giá một số loại hàng hóa khác
![]() |
Bảng giá nông sản |
![]() |
Bảng giá kim loại |