A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu bền vững sang thị trường EU: Tăng trưởng xanh là yếu tố tiên quyết

Nếu không đáp ứng các yếu tố môi trường và phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ mất thị trường, mất khách hàng và không thể tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA.

Phát triển bền vững là xu thế tại EU

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng - Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương cho rằng vấn đề phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế bắt buộc, đặc biệt ở những thị trường đòi hỏi cao như EU. Doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường toàn cầu, muốn nâng cao giá trị thì phải hướng tới phát triển bền vững.

Xuất khẩu gỗ

Hàng hoá xuất khẩu sang EU đã, đang và sẽ phải chịu những yêu cầu về tăng trưởng xanh

Đơn cử, với thị trường EU, hiện nay, để tận dụng hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), doanh nghiệp ngày càng phải quan tâm hơn đến vấn đề phát triển bèn vững. Bởi đối với cơ chế thực thi, EVFTA không phải hiệp định thương mại thông thường mà là một hiệp định có yếu tố rất quan trọng về phát triển bền vững. “EVFTA là một hiệp định thiên nhiều về phát triển bền vững, cho nên các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang EU cần hết sức quan tâm đến vấn đề phát triển vững, vấn đề môi trường, vấn đề lao động” - ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.

EVFTA cũng là một hiệp định đầu tiên có một cơ chế thực thi khá rõ ràng. Hai bên đồng ý thiết lập Ủy ban về phát triển bền vững và có đại diện của Chính phủ, cơ quan quản lý của hai bên thường xuyên hàng năm hoặc định kỳ gặp gỡ để rà soát tiến trình thực thi của cả hai phía, trong đó nêu ra những kinh nghiệm cũng như các vấn đề cần xử lý.

Song song với đó, ông Ngô Chung Khanh cũng nhấn mạnh đến xu hướng của người tiêu dùng tại thị trường EU. Hiện nay, người tiêu dùng càng ngày quan tâm cách doanh nghiệp làm ra sản phẩm, các sản phẩm có ảnh hưởng đến môi trường hay không, có bền vững hay không và đối xử người lao động như thế nào?

Ở chiều ngược lại, yếu tố phát triển bền vững nếu được thực thi hiệu quả sẽ giúp cho doanh nghiệp nâng tầm giá trị và cũng giúp doanh nghiệp định hướng xây dựng các thương hiệu của người Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường châu Âu.

“Việc xây dựng thương hiệu là câu chuyện rất khó, nhưng không phải không làm được. Nếu chúng ta quan tâm đến phát triển bền vững thì nó là một yếu tố rất quan trọng để chúng ta xây dần giá trị thương hiệu và từ đó thì những đồng tiền chúng ta mang về nhiều hơn. Ví dụ như thay vì 10 đồng xuất khẩu thì chúng ta có thể mang về đến 70-80 đồng. Đấy là mấu chốt” – ông Khanh chỉ rõ.

Đối với thách thức, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, để tận dụng tốt EVFTA trong giai đoạn tới, lo ngại nhất chính là thách thức từ chính người tiêu dùng của Châu Âu, tức là chưa cần chờ đến các quy định của EU mà chính người tiêu dùng sẽ tẩy chay, tránh xa những các sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng về vấn đề bảo vệ môi trường hay vấn đề nguồn lao động.

Bên cạnh đó, thời gian tới, không chỉ vấn đề về môi trường mà kể cả vấn đề về lao động sẽ càng ngày có những yêu cầu chặt chẽ hơn, phức tạp hơn. Chẳng hạn như hiện nay, đang có đề xuất về trình lên Nghị viện Châu Âu xem xét một quy định chống các hàng hóa nhập khẩu có sử dụng lao động cưỡng bức.

“Tuy nhiên trên hết, tất cả chúng ta đã tham gia những hiệp định FTA thế hệ mới, đó là CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Những hiệp định này đã đưa chúng ta tới một tầm tiêu chuẩn cao về vấn đề trách phát triển bền vững. Trong thời gian qua, chúng ta đã, đang thực hiện rất tốt nhưng quan trọng nhất là việc thực hiện phải có sự thẩm thấu của doanh nghiệp. Cam kết Chính phủ có, thực thi có, nhưng doanh nghiệp đã thực thi hay chưa, đã ngấm vào họ hay chưa và đã triển khai chưa thì tôi nghĩ rằng đấy là một vấn đề và thách thức từ chính chúng ta” – ông Khanh chia sẻ.

Bộ Công Thương nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp

Ông Ngô Chung Khanh khẳng định, các thị trường càng khó tính, càng có yêu cầu cao thì mang thặng dư càng lớn thương mại lớn cho Việt Nam. Tuy nhiên, để có được con số đó thì các doanh nghiệp phải nỗ lực và phải thấy rằng dù có khó khăn nhưng giá trị mang lại bền vững và rất lớn.

Để vượt qua những rào cản, hướng tới phát triển bền vững, điều quan trọng là bắt đầu từ nhận thức của doanh nghiệp. “Hiện nay có một điểm cản trở chúng ta chuyển sang phát triển xanh là nhiều doanh nghiệp cứ nghĩ đến xanh là nghĩ đến tiền, nghĩ đến xanh là chi phí cao và họ sợ. Nhưng thực tế, vấn đề xanh hoá hay phát triển bền vững không phải cần chi tiền ngay mà chia từng bước. Đầu tiên doanh nghiệp phải rà lại xem quy định của mình về lao động có vướng gì không?” – ông Khanh gợi ý.

Bên cạnh đó, về dài hạn, việc bỏ chi phí cho tăng trưởng xanh chắc chắn là tốn kém. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chần chừ thì chỉ trong trung hạn sẽ thấy hậu quả nhãn tiền.

Do đó, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh truyền thông đến các doanh nghiệp để doanh nghiệp cập nhật thông tin, có thêm kiến thức để quyết định rằng có chuyển đổi hay không? Có tăng trưởng xanh hay không? Đấy là điều rất quan trọng. Nếu quyết định chuyển đổi tăng trưởng xanh, sẽ mất tiền. Song nếu không chịu mất tiền, doanh nghiệp sẽ đánh mất thị trường, mất khách hàng và không thể tận dụng hiệu quả EVFTA mà đã rất khó khăn, ta mới đàm phán và ký kết thành công.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :