A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

8 tháng đầu năm Việt Nam chi 5,88 tỉ USD nhập xăng dầu

Tình hình tăng nhập khẩu xăng dầu các loại đang diễn ra ở hầu hết các thị trường chính như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Malaysia.

Ngày 19-9, số liệu sơ bộ Tổng cục Hải quan cho biết, tám tháng đầu năm 2023 tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đạt 436,44 tỉ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 8, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,44 tỉ USD; tính trong tám tháng, cả nước xuất siêu 19,9 tỉ USD.

Cụ thể, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tám tháng đạt 228,17 tỉ USD, giảm 9,8% và có 37/45 nhóm hàng giảm so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, có tới 11 nhóm hàng trị giá xuất khẩu giảm trên 500 triệu USD như hàng dệt may, giày dép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…

Trị giá xuất khẩu của 11 nhóm hàng này giảm 23,71 tỉ USD, bằng 95,7% mức giảm trị giá xuất khẩu của cả nước.

Tám tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam mang về 3,16 tỉ USD. Ảnh: TÚ UYÊN

Tuy nhiên, một số nhóm hàng xuất khẩu vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, trong tám tháng năm 2023 trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 3,55 tỉ USD tăng 61,8% (tăng 1,35 tỉ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam đạt 2,26 tỉ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2022.

Tiếp đến là gạo, trong tháng 8 Việt Nam xuất khẩu 921 ngàn tấn, tăng mạnh 48,8% so với tháng trước. Theo tháng, xuất khẩu gạo tháng 8 có khối lượng cao thứ ba từ trước tới nay và đơn giá xuất khẩu bình quân cao nhất kể từ tháng 1-2022.

Tính chung tám tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 5,8 triệu tấn, trị giá đạt 3,16 tỉ USD, tăng 21,4% về lượng và 35,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. ASEAN và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam.

Về nhập khẩu, tính đến hết tháng 8 trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 208,27 tỉ USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, giảm mạnh nhất là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, chất dẻo nguyên liệu.

Đáng chú ý, bốn nhóm hàng trên trị giá nhập khẩu giảm hơn 18 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 44% trị giá nhập khẩu giảm của cả nước.

Tuy nhiên, một số nhóm hàng như nguyên liệu thức ăn gia súc gồm lúa mỳ, ngô, đậu tương... Việt Nam nhập 522 triệu USD, tăng 53,5% so với tháng trước.

Tính đến hết tháng 8, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này là 3,69 tỉ USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Đối với mặt hàng xăng dầu, trong tám tháng Việt Nam nhập khẩu 7,22 triệu tấn xăng dầu các loại, trị giá 5,88 tỉ USD, tăng 22,2% về lượng nhưng giảm 5,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam tăng nhập khẩu xăng dầu các loại ở hầu hết các thị trường chính như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Malaysia.

Tháng 8 Việt Nam chi 160 triệu USD nhập phân bón

Trong tháng 8, Việt Nam nhập 472 ngàn tấn phân bón các loại, đạt 160 triệu USD, tăng 54,6% về giá trị và tăng mạnh 54,3% về lượng so với tháng trước.

Tính chung tám tháng, cả nước nhập khẩu 2,48 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 833 triệu USD, tăng 12,8% về lượng, giảm 19% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam chủ yếu nhập khẩu phân bón các loại từ thị trường chính là Trung Quốc, tỉ lệ khoảng gần 50% tổng lượng nhập khẩu hàng hóa này của cả nước.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :