Tăng xuất khẩu cà phê chế biến, giá cà phê tăng kỷ lục
Kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến đã tăng gần 22% trong 7 tháng đầu năm nay lên mức 448,7 triệu USD, tăng so với tỷ trọng 15% của cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá Arabica có phiên giao dịch đầy biến động, đóng cửa giá giảm nhẹ 0,03% so với tham chiếu. Sự trái chiều giữa tín hiệu tích cực từ tồn kho trên Sở ICE-US và nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil đã tạo nên sự giằng co giữa lực mua và bán.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đã nhận được 19.820 bao chờ phân loại từ Brazil. Điều này giúp gia tăng kỳ vọng tồn kho sẽ sớm hồi phục và góp phần đảm bảo nguồn cung cà phê trên thị trường.
Trong khi đó, đồng Real nội địa của Brazil mạnh lên, kéo theo tỷ giá USD/Brazil Real giảm 0,64% trong phiên hôm qua. Chênh lệch tỷ giá đi xuống đã thúc đẩy nông dân Brazil hạn chế bán cà phê do thu về ít nội tệ hơn.
Giá cà phê Robusta tiếp tục tăng |
Ở chiều ngược lại, giá Robusta tăng mạnh hơn 2% trong phiên hôm qua. Xuất khẩu Robusta tại Brazil có dấu hiệu chững lại trong khi nguồn cung vẫn khan hiếm tại Việt Nam đã hỗ trợ giá tăng.
Theo CECAFE, Brazil đã xuất gần 143.470 bao Robusta dạng hạt trong 11 ngày đầu tháng 8, thấp hơn mức khoảng 150.000 vào cùng kỳ tháng trước. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê trong tháng 8 của Việt Nam vẫn giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng chung xu hướng giá thế giới, sáng nay trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt ghi nhận các mức tăng mạnh từ 600 – 800 đồng/kg. Theo đó, giá thu mua cà phê trong nước lên mức 65.5000 – 66.500 đồng/kg, cao nhất trong vòng 1 tuần trở lại đây.
Giá xuất khẩu cà phê tăng lên mức kỷ lục |
Về xuất khẩu, theo số liệu được công bố bởi Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái với khối lượng đạt 84.647 tấn, trị giá 258,5 triệu USD, giảm 22,3% về lượng và 16% về trị giá so với tháng trước.
Luỹ kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 1,2 triệu tấn, trị giá thu về gần 3 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 5,4% về lượng nhưng tăng 3,1% về trị giá nhờ giá bán tăng cao.
Như vậy, tổng lượng cà phê xuất khẩu trong 11 tháng đầu niên vụ 2022 – 2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 8/2023) đạt hơn 1,6 triệu tấn, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Với sản lượng trong niên vụ hiện tại được dự báo chỉ vào khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn, giảm 10 - 15% so với niên vụ 2021-2022, nguồn cung cà phê dành cho xuất khẩu đến nay gần như đã cạn và dự kiến chỉ có thể cải thiện kể từ tháng 11 tới khi nguồn cung từ vụ thu hoạch mới 2023-2024 được đưa vào thị trường.
Tuy nhiên, tồn kho ở mức thấp đã đẩy giá cà phê xuất khẩu trong tháng 8 vừa qua lên mức kỷ lục mới là 3.054 USD/tấn, tăng 8% so với tháng trước và tăng 30% (gần 700 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 8 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân cà phê đã tăng gần 9% lên mức 2.463 USD/tấn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời tiết thuận lợi tại Brazil và lượng hàng vụ mới đã sẵn sàng bán ra thị trường đã tác động tiêu cực tới giá cà phê thế giới, bất chấp dự báo toàn cầu sẽ thiếu hụt 7,3 triệu bao cà phê các loại trong niên vụ 2023-2024 và báo cáo tồn kho tại hai sàn giảm xuống mức thấp trong nhiều năm.
Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá khiến các quỹ và đầu cơ mạnh tay thanh lý chuyển vốn sang các thị trường phái sinh và thị trường chứng khoán Mỹ do mức lợi nhuận hấp dẫn hơn. Trong khi biến động tỷ giá cũng khiến người trồng cà phê Brazil đẩy mạnh bán ra.
Dù vậy, đà giảm được cho là chỉ diễn ra trong ngắn hạn do tồn kho cà phê robusta đang ở mức thấp sẽ tác động tích cực tới giá trên thị trường cà phê toàn cầu.
Trong những tháng đầu năm nay, cơ cấu chủng loại cà phê xuất khẩu cũng có những chuyển biến tích cực với sự gia tăng mạnh mẽ của cà phê chế biến.
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến đã tăng gần 22% trong 7 tháng đầu năm nay lên mức 448,7 triệu USD, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, tăng so với tỷ trọng 15% của cùng kỳ năm ngoái.
Ngược lại, tỷ trọng của cà phê nhân (bao gồm robusta và arabica) giảm xuống còn 83,3% so với mức 85% của cùng kỳ. Chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu cà phê arabica giảm 34,6%, trong khi robusta tăng 3,9%.
Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 5 - 6 tỷ USD vào năm 2030, chiến lược ngành cà phê là đẩy mạnh mặt hàng cà phê chế biến (cà phê rang xay, cà phê hòa tan,..) hơn là chú trọng vào số lượng cà phê nhân bởi bài học quá khứ cho thấy nếu tăng diện tích hơn nữa, "cơn ác mộng" dư cung, giá giảm sẽ quay trở lại.