A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Năm 2025, xuất khẩu tôm hướng đến mục tiêu 4,3 tỷ USD

Năm 2025, xuất khẩu tôm được kỳ vọng ở các thị trường tiềm năng như Australia, Trung Đông, Anh, Hàn Quốc và hướng đến mục tiêu xuất khẩu trên 4 tỷ USD.

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị "Phát triển ngành tôm nước lợ năm 2025" diễn ra sáng 14/2 tại Bạc Liêu. Hội nghị với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nuôi tôm đến từ nhiều địa phương.

Tôm Việt Nam đã có mặt tại 107 thị trường

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dù đối mặt với nhiều thách thức, năm 2024, tôm Việt Nam đã xuất khẩu đến 107 thị trường, tăng thêm 5 thị trường so với năm 2023. Top 5 thị trường chính gồm: Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc. Nhóm thị trường này chiếm tới 76% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Năm 2025, xuất khẩu tôm hướng đến mục tiêu 4,3 tỷ USD

Hội nghị "Phát triển ngành tôm nước lợ năm 2025" diễn ra sáng 14/2 tại Bạc Liêu.

Bước sang năm 2025, tôm tiếp tục là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong tháng 1/2025, với giá trị xuất khẩu đạt 273,349 triệu USD, chiếm 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Thời điểm hiện nay, một số mặt hàng thủy sản đã có chiều hướng tăng giá, đặc biệt là giá tôm nguyên liệu. Đây cũng là tín hiệu vui cho người nuôi tôm tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích thả nuôi trong năm 2025.

Tuy nhiên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, trong năm 2025, xuất khẩu tôm sẽ tăng trưởng nhờ vào sự điều chỉnh chiến lược sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh từ các nước sản xuất tôm hàng đầu thế giới như Ecuador, Ấn Độ và Thái Lan vẫn rất lớn.

Ngoài ra, các quy định nghiêm ngặt từ thị trường Mỹ, EU về truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn chất lượng càng khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh để giữ vững thị phần.

Về thị trường xuất khẩu với ngành tôm, ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho hay, năm 2025, theo dự báo của các chuyên gia, ngành tôm có thể vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo do xung đột ở nhiều nơi trên thế giới; giá vật tư, xăng dầu tiếp tục tăng cao; sản lượng tôm toàn cầu tiếp tục tăng và đạt khoảng 6,1 triệu tấn (năm 2023 đạt 5,7 triệu tấn); cạnh tranh giữa các nước sản xuất tôm (Ecuador, Ấn Độ và Trung Quốc) vẫn tiếp tục...

Bên cạnh những khó khăn, ông Trần Đình Luân nhận định, năm 2025 đã có những tín hiệu tích cực hơn như sự phục hồi của một số thị trường chính (Mỹ, Nhật Bản, EU) khi doanh số xuất khẩu tôm Việt Nam đều tăng.

Dự báo nguồn cung tôm nước lợ toàn cầu có thể giảm trong quý I/2025 nhưng tiếp tục tăng, đạt 6,1 triệu tấn trong năm 2025, nhu cầu của tăng ở thị trường Mỹ (14%) và EU (11%) trong khi sản xuất tôm Trung Quốc đang chững lại, Indonesia đang giảm trong năm 2023-2024 và có thể dần khôi phục trở lại là thách thức cũng là cơ hội cho ngành tôm Việt Nam trong năm 2025.

“Về giá tôm nguyên liệu có thể giảm ở một vài thời điểm trong năm 2025, đặc biệt là khoảng tháng 5-6/2025, cần tận dụng cơ hội và có giải pháp phù hợp”, ông Trần Đình Luân khuyến nghị.

Đặt mục tiêu xuất khẩu từ 4 - 4,3 tỷ USD

Theo kế hoạch sản xuất năm 2025, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000 - 270.000 con (tôm thẻ chân trắng 200.000 - 210.000; tôm sú 60.000 con); tôm giống khoảng 140 - 150 tỷ con (trong đó, tôm thẻ chân trắng 100 - 110 tỷ con và tôm sú 30 - 40 tỷ con). Diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha (tôm sú 630.000 ha, tôm thẻ 120.000 ha); sản lượng tôm các loại 1,3 – 1,4 triệu tấn, trong đó tôm sú 350 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 1.050 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt từ 4 tỷ USD đến 4,3 tỷ USD.

Năm 2024 đánh dấu một năm thành công rực rỡ của ngành xuất khẩu tôm Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải

Năm 2024 đánh dấu một năm thành công rực rỡ của ngành xuất khẩu tôm Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải

Để đảm bảo kế hoạch cả năm 2025, tận dụng các cơ hội để ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững, ông Trần Đình Luân cho hay, ngành tôm cần tiếp tục triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương đối với nhiệm vụ, mục tiêu, các nhóm giải pháp phát triển ngành với tư duy kinh tế thủy sản thay cho sản xuất thủy sản.

Trong đó, ông Luân cũng đề nghị Hội, Hiệp hội đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật.

Đồng thời, vận động doanh nghiệp chế biến thủy sản thực hiện cam kết/hợp đồng với người nuôi tôm về kế hoạch sản xuất và cung ứng nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu đảm bảo kế hoạch về số lượng, chủng loại và thời gian để chủ động sản xuất. Quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ, gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình sản xuất. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật.

Đối với các doanh nghiệp, người nuôi tôm, cần xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong bối cảnh và tình hình mới của ngành tôm trong nước và toàn cầu, đặc biệt là chủ động nghiên cứu các yêu cầu mới của thị trường, áp dụng công nghệ mới/cải tiến quy trình sản xuất và triển khai trong quá trình sản xuất đảm bảo không vướng mắc các quy định mới.

“Doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU cần chuẩn bị đầy đủ thủ tục để chứng minh giảm phát thải carbon, phát triển bền vững, không mua bán các sản phẩm từ hoạt động IUU....”, ông Trần Đình Luân khuyến nghị.

Để tăng sức cạnh tranh và đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, VASEP cho rằng, công tác mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố then chốt.

"Cần tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đồng thời, các doanh nghiệp cần nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm để đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, truy xuất nguồn gốc", đại diện VASEP cho hay.

Theo Hiệp Hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, doanh nghiệp đang tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu tôm nguyên liệu trong quý đầu năm 2025. Tôm Việt cũng tiếp tục cạnh tranh tôm với Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung. Xuất khẩu tôm được kỳ vọng nhiều hơn ở các thị trường tiềm năng như Australia, Trung Đông, Anh, Hàn Quốc. Nếu có động lực hỗ trợ và tháo gỡ những bất cập nội tại trong sản xuất, chế biến và cả chuỗi giá trị, xuất khẩu tôm năm 2025 có thể hướng tới mục tiêu trên 4 tỷ USD.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :