A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực tài nguyên

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng các nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn tiếp theo là hết sức nặng nề với nhiều bài toán hóc búa cần lời giải phù hợp, kịp thời, hiệu quả trên tinh thần khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực tài nguyên và kiên quyết, kiên trì không hi sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Sáng 5-8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (5-8-2002 - 5-8-2022). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Thư và lẵng hoa chúc mừng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Thủ tướng: Không hi sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ Tài nguyên và Môi trường - Ảnh: Nhật Bắc

Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) qua các thời kỳ; các Đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Diễn văn kỷ niệm do Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà trình bày cho biết ngày này cách đây đúng 20 năm, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 02/2002/QH11, theo đó thành lập Bộ TN-MT.

Trong suốt chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Bộ TN-MT đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong dòng chảy đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, thể hiện qua những dấu mốc lớn. Ghi nhận những nỗ lực và đóng góp đối với sự phát triển đất nước, Bộ TN-MT, từng lĩnh vực và nhiều cán bộ đã vinh dự và tự hào được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh....

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tài nguyên - môi trường là yếu tố không thể thiếu đối với sự sinh tồn và phát triển của con người cũng như sự phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng là lĩnh vực quản lý rất quan trọng và rộng lớn, khó khăn.

Thủ tướng: Không hi sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỉ niệm

Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó ngành TN-MT có sứ mệnh hết sức quan trọng, là nòng cốt, rường cột trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá ngành đã chủ động, đóng góp nhiều sáng kiến quy mô khu vực và toàn cầu liên quan đến giải quyết ô nhiễm rác thải, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng ngừa ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên…

Đặc biệt, việc tham gia Thỏa thuận lịch sử Paris về biến đổi khí hậu và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26) mang lại lợi ích kép cho Việt Nam trong tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính để tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, cũng như chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các chỉ số về môi trường có sự chuyển biến, góp phần đưa chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2021 lên vị trí 51/165 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, tăng 37 bậc so với năm 2016.

Thủ tướng: Không hi sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan triển lãm thành tựu của Tổng cục Khí tượng Thủy văn trong khuôn khổ lễ kỷ niệm. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai ngày càng được nâng lên với đủ độ chi tiết, tiệm cận với trình độ của các nước phát triển; đặc biệt là đã dự báo sát, kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có các cơn bão lớn, góp phần chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của đất nước ta.

Tuy nhiên, sau 20 năm xây dựng, phát triển, trưởng thành, ngành TN-MT đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi mới nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức.

Thủ tướng nhấn mạnh: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: "Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai" và xác định mục tiêu: "Đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về TN-MT và ứng phó với biến đổi khí hậu". Kiên quyết, kiên trì quan điểm và hành động không hi sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng: Không hi sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao các phần thưởng cao quý cho các tập thể, cá nhân thuộc Bộ TN-MT - Ảnh: Nhật Bắc

Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ nêu trên, Thủ tướng đề nghị toàn ngành TN-MT tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ của ngành TN-MT trong giai đoạn tiếp theo là hết sức nặng nề với nhiều bài toán "hóc búa" cần lời giải phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ tin tưởng ngành TN-MT sẽ khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý Bộ TN-MT bám sát tình hình, bám sát thực tiễn, tham mưu cho các cấp rà soát hoàn thiện hệ thống các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các Hiệp định, thỏa thuận quốc tế có liên quan về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, trọng tâm là sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế, cản trở trong quản lý sử dụng đất đai, giải phóng, phát huy nguồn lực quan trọng này cho phát triển đất nước.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :