Hoàn thiện văn bản thi hành Luật Đất đai năm 2024
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế cơ bản ban hành đầy đủ các văn bản thi hành Luật đảm bảo triển khai đồng bộ, thống nhất.
Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành: Quy định về hạn mức giao đất ở; hạn mức công nhận đất ở cho cá nhân, người sử dụng đất; Quy định một số nội dung về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Quy định về tách thửa đất, hợp thửa đất đối với đất ở và đất nông nghiệp. Cùng với đó là Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quy định một số yếu tố hình thành doanh thu và ước tính chi phí để xác định giá đất theo phương pháp thặng dư. Ngoài ra, địa phương còn ban hành Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Sở Tài nguyên và Môi trường, quy định cụ thể trình tự, thành phần hồ sơ để thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất…
UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn rà soát những nội dung phân cấp giao địa phương quy định tại các nghị định thi hành Luật Đất đai năm 2024 để kịp thời tham mưu văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, có một số nội dung mới như: Quy định về trình tự, thủ tục cho thuê quỹ đất ngắn hạn; điều kiện, trình tự, thủ tục thẩm định để giao đất không đấu giá quyền sử dụng đất cho cá nhân; mức tỷ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đơn giá thuê đất có mặt nước; điều kiện, tiêu chí chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sang mục đích khác…
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, Luật Đất đai năm 2024 giúp tháo gỡ những “nút thắt” tồn tại lâu nay trong lĩnh vực đất đai của địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý đất đai ở tỉnh. Cụ thể, Luật đã phân cấp thẩm quyền quyết định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho HĐND cấp tỉnh; đồng thời giảm bớt các thủ tục về bổ sung kế hoạch sử dụng đất để triển khai dự án. Qua đó, đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công trong năm và thực hiện ngay việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư...
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai với cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện, UBND cấp huyện, cơ quan tài chính, thuế và các bên liên quan để giải quyết thủ tục về đất đai, tài chính, thuế trên dịch vụ công quốc gia, Trung tâm hành chính công của địa phương thông suốt, đảm bảo thời gian xử lý phù hợp theo quy định, góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng./.
Đỗ Trưởng