A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ tịch Phan Văn Mãi: Quy hoạch TP HCM là đô thị đa trung tâm

Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, có văn bản tham gia góp ý, đề xuất bổ sung quy hoạch giao thông...

Văn phòng UBND TP HCM vừa có thông báo truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi về về cập nhật, bổ sung quy hoạch giao thông vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo về nội dung nghiên cứu cập nhật, bổ sung quy hoạch giao thông vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung.

Chủ tịch Phan Văn Mãi: Quy hoạch TP HCM là đô thị đa trung tâm - Ảnh 1.

Quy hoạch TP HCM là đô thị đa trung tâm; Ảnh: Hoàng Triều

Theo Chủ tịch UBND thành phố, hệ thống giao thông của TP HCM cần nghiên cứu trên cơ sở quy hoạch thành phố là đô thị đa trung tâm với định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), từng bước giảm dần áp lực tại khu trung tâm, hướng đến hình thành và phát triển các khu đô thị "vệ tinh", gắn với chức năng đô thị nổi trội trong tổng thể TP HCM và vùng đô thị.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị tập trung nghiên cứu, lập quy hoạch đường ven biển (gắn với hành lang kinh tế ven biển), đường N2 (hành lang kinh tế chiến lược từ Củ Chi - Long An - Đồng Tháp - An Giang), hành lang công nghiệp logistics (Mộc Bài - TP HCM - Cái Mép) và hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, tương thích với các tỉnh lân cận.

Trong đó, TP Thủ Đức là đô thị thông minh, sáng tạo, tương tác cao phía Đông. Cần Giờ là đô thị sinh thái, cửa ngõ giao thương với quốc tế bằng đường biển. Khu đô thị phía Nam, Tây Nam là cửa ngõ kết nối với miền Tây và Khu đô thị Tây Bắc là cửa ngõ kết nối với Bình Dương, Tây Ninh, Campuchia...

Đối với đề xuất của Sở Giao thông Vận tải về các nội dung nghiên cứu, cập nhật quy hoạch giao thông vào Quy hoạch chung, Chủ tịch UBND thành phố cơ bản thống nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý làm rõ đường sắt đô thị là một trong những phương thức giao thông quan trọng, chi phối quy hoạch đô thị.
Do đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị nghiên cứu, đề xuất cụ thể theo hướng ưu tiên tối đa cho quy hoạch phát triển hệ thống đường sắt đô thị

 

Ngoài ra, quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhằm khai thác tối đa ưu thế sẵn có, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giảm tải cho giao thông đường bộ. 

Cùng với đó, quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông thuận lợi, thông suốt giữa các khu đô thị "vệ tinh".

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, có văn bản tham gia góp ý về kết quả nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy hoạch giao thông.
Các góp ý gửi về Sở Giao thông Vận tải trước ngày 10-8 để hoàn chỉnh nội dung nghiên cứu, bổ sung quy hoạch giao thông vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP HCM.

Lên danh mục công trình giao thông ưu tiên

Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Sở Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu, tham mưu danh mục các công trình giao thông ưu tiên đầu tư để tập trung hoàn thành trong vòng 3-5 năm tới, trên cơ sở vận dụng Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.

Nghị quyết 98 có nhiều nội dung quan trọng, mở ra cơ hội huy động được nhiều nguồn lực từ ngân sách và ngoài ngân sách phục vụ đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông thành phố.

Như giải pháp cho sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái; cải tạo các nút giao thông, điểm đen ùn tắc giao thông; xây dựng các bãi đậu xe trong nội thành; xây dựng hoàn chỉnh đoạn Quốc lộ 1A hướng về miền Tây, Quốc lộ 22, Quốc lộ 13; nâng cấp, cải tạo đường Nguyên Văn Linh...), kết hợp nghiên cứu sắp xếp, tổ chức lại các loại hình giao thông công cộng phù hợp nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :