A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung Quốc chật vật thoát nước đô thị

Hình ảnh các đô thị ngập sâu trong nước lũ làm bật lên câu hỏi về sự chuẩn bị của Trung Quốc trước những sự kiện thời tiết cực đoan

Lũ lụt đã làm ảnh hưởng ít nhất 30 triệu người ở Trung Quốc từ đầu năm 2023 đến nay, bao gồm 20 người thiệt mạng trong đợt mưa lũ vài ngày qua.

Theo hãng tin Bloomberg, sau trận lũ năm 2012 ở Bắc Kinh khiến 79 người thiệt mạng, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD để đối phó trước lượng mưa cực đoan và đẩy mạnh xây dựng các "thành phố bọt biển". 

Nói một cách đơn giản, những đô thị kiểu này tăng khả năng "thấm hút" nước mưa bằng cách sử dụng vườn trên sân thượng, vỉa hè thấm hút, các bể nước ngầm… rồi từ từ "nhả" ra hệ thống sông và hồ chứa.

Hơn 10 năm qua, hàng chục thành phố từ Bắc Kinh ở phía Bắc đến Trùng Khánh ở phía Nam đã đi theo hướng này. Nhưng những gì xảy ra dường như đang làm lung lay chiến thuật trên, khi mà nhiệt độ toàn cầu tăng lên đã tiếp sức tạo ra các đợt mưa khổng lồ trút xuống đô thị. 

Lấy sân bay quốc tế Đại Hưng ở ngoại ô Bắc Kinh làm ví dụ. Mạng lưới hồ cảnh quan, bể chứa nước và hệ thống thoát nước ở đây đủ sức "thấm" lượng nước mưa xấp xỉ 1.300 hồ bơi chuẩn Olympic. Vậy mà các đường băng của sân bay này vẫn bị ngập sâu trong đợt mưa kỷ lục vừa rồi tại Bắc Kinh - hơn 744,8 mm từ ngày 29-7 đến 2-8, cao nhất trong vòng 140 năm.

Trung Quốc chật vật thoát nước đô thị - Ảnh 1.

Nước lũ ngập sâu do ảnh hưởng bão Doksuri tại TP Trác Châu, tỉnh Hà Bắc - Trung Quốc ngày 3-8 Ảnh: REUTERS

 

Ở tỉnh Hà Bắc kế cận, TP Hình Đài dù hưởng ứng phong trào "bọt biển" từ năm 2016 nhưng cũng không trụ nổi khi phải hứng lượng mưa của 2 năm (khoảng 100 cm) trong vỏn vẹn… 2 ngày mới đây, theo trang tin Caixin

Vấn đề của chiến lược "thành phố bọt biển", theo TS Hongzhang Xu của Trường ĐH Quốc gia Úc, là chưa tính tới những sự kiện thời tiết cực đoan.

"Kế hoạch này ban đầu khá tốt vì có hướng tiếp cận toàn diện với các vấn đề xử lý nước đô thị, bao gồm kiểm soát ô nhiễm, ứng phó mưa bão và giảm nhẹ lũ. Tuy nhiên, nó chưa tính tới các sự kiện cực đoan và thảm họa như lũ quét" - TS Hongzhang Xu nhận xét.

TS Li Zhao, nhà nghiên cứu của tổ chức Hòa bình xanh, chỉ ra các thiết kế xử lý nước của chiến lược "thành phố bọt biển" dựa trên lượng mưa trong vòng 30 năm trước thời điểm 2014. Do đó, không thể thích ứng được với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. 

 

Chẳng hạn, tính tới năm 2020, TP Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam đã đầu tư 53,5 tỉ nhân dân tệ để "bọt biển hóa", thậm chí một số khu vực được bỏ trống để dành riêng cho thoát nước lũ. Nhưng chỉ một năm sau, một trận lũ thảm khốc đã cướp đi sinh mạng 380 người ở Trịnh Châu cùng thiệt hại tài sản tới 41 tỉ nhân dân tệ.

"Ngay cả bọt biển thật sự cũng không thể thấm hút vô tận" - ông Ma Jun, giám đốc Viện Các vấn đề công và môi trường ở Bắc Kinh, nhận định với Bloomberg, đồng thời cho rằng chiến lược này cần kết hợp với các giải pháp khác để ứng phó lượng mưa lớn hơn.

Việc phát triển đô thị ở đất nước tỉ dân này ngày càng tính tới việc ứng phó bão. Với các đô thị tọa lạc trên những khu vực từng là hệ thống thoát nước tự nhiên như hồ, đầm lầy và rừng, Trung Quốc phải xây dựng các hạ tầng thoát nước mưa mới. 

Một bí quyết khác nằm ở mở rộng hạ tầng xanh, tức công viên, vườn sân thượng… trong đô thị. Chính nhờ hệ thống ứng phó mưa bão tự nhiên này mà 800.000 cư dân Trì Châu, một trong những "thành phố bọt biển" đời đầu, tránh được lũ quét năm 2016 bất chấp lượng mưa trút xuống đây năm đó cao hơn mức bình thường ít nhất 30% - theo một đánh giá của chính phủ Trung Quốc.

Để tăng cường hiệu quả của các "thành phố bọt biển" ở Trung Quốc, TS Xu đề xuất tái sử dụng các luồng lạch được xây từ xưa để xả lũ và phân lũ. Song song đó là đẩy mạnh hệ thống cảnh báo để giảm thiểu thiệt hại. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :