A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điện hạt nhân trở lại châu Á

Vào tháng rồi, một tuyên bố của G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) về chuyển đổi năng lượng đã nêu bật vai trò khả dĩ của năng lượng hạt nhân trong việc cắt giảm khí thải, bảo đảm an ninh năng lượng.

Các chuyên gia khí hậu nhận định động thái này cho thấy khả năng điện hạt nhân trỗi dậy trên thế giới. Riêng tại châu Á, theo tờ South China Morning Post ngày 6-8, nguồn năng lượng carbon thấp này đang trở lại với sự đi đầu của Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản.

Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tính đến năm 2020, Trung Quốc chiếm hơn 50% sản lượng điện hạt nhân của châu Á - Thái Bình Dương, theo sau là Hàn Quốc (25%), Ấn Độ và Nhật Bản (mỗi nước 6%). 

Các nhà máy mới cũng xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực này. Trung Quốc hiện dẫn đầu với 23 lò phản ứng dự kiến sẽ hoàn thành trong 7 năm tới, trong khi Ấn Độ đang xây 8 lò.

Một số công nghệ mới, như lò phản ứng mô-đun có kích thước nhỏ và dễ thích nghi hơn lò phản ứng truyền thống, đã khôi phục niềm tin vào sự an toàn và khả năng đáp ứng nhu cầu của năng lượng hạt nhân.

 Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cũng đang thăm dò việc sử dụng thorium thay uranium để vận hành lò phản ứng vì thorium có nhiều trong lớp vỏ Trái đất. Cục An toàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc hồi tháng 6 đã cấp giấy phép hoạt động cho lò phản ứng đầu tiên sử dụng thorium. Nước này cũng đặt mục tiêu xây dựng 150 lò phản ứng vào năm 2035.

Điện hạt nhân trở lại châu Á - Ảnh 1.

Một nhà máy điện hạt nhân đã đi vào hoạt động từ năm 2020 tại tỉnh Phúc Kiến - Trung Quốc Ảnh: TÂN HOA XÃ

Ấn Độ cũng có kế hoạch tăng sản lượng điện hạt nhân, chủ yếu thông qua việc xây thêm các nhà máy lớn. Trong khi đó, Nhật Bản cho biết sẽ hướng tới tối đa hóa việc sử dụng các lò phản ứng hiện có và cam kết phát triển lò phản ứng thế hệ tiếp theo. 

 

"Để Nhật Bản đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, năng lượng hạt nhân sẽ phải đóng góp 20%-22% trong cơ cấu năng lượng mục tiêu vào năm 2030" - bà Ada Li, Phó Chủ tịch Công ty Nghiên cứu tài chính Moody’s Investors Service (Mỹ), cho biết. Nước này hiện gặp khó khi phát triển điện mặt trời và gió do diện tích đất đai hạn chế.

Năng lượng hạt nhân được dự báo cũng phát triển ở châu Á trong những thập kỷ tới, một phần do dân số gia tăng và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Một số chuyên gia nhận định các nước ở khu vực này sẽ phải tìm kiếm nhiều hướng đi để đạt mục tiêu trung hòa carbon. Đáng chú ý, khí thải từ công nghệ điện hạt nhân chỉ tương đương với gió và bằng 1/3 so với năng lượng mặt trời.

Dù vậy, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc sử dụng năng lượng hạt nhân tại khu vực này, như chi phí đắt và thời gian xây dựng nhà máy lâu. Ngoài ra, chất thải phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân có thể gây hại cho con người nếu không được xử lý an toàn. Theo một số chuyên gia, phương án hàng đầu là xây dựng kho trữ chất thải phóng xạ dưới lòng đất trong hàng ngàn năm, như Phần Lan đã làm. 

Thiên tai gây nhiều thiệt hại ở Trung Quốc

Thiệt hại kinh tế trực tiếp do thiên tai tại Trung Quốc trong tháng 7-2023 là 41,18 tỉ nhân dân tệ (khoảng 136.313 tỉ đồng), theo thống kê mới nhất của Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc. Con số này cao hơn tổng thiệt hại của 6 tháng đầu năm nay (38,23 tỉ nhân dân tệ). Ngoài ra, thiên tai cũng khiến 147 người thiệt mạng hoặc mất tích, khoảng 703.000 người phải đi sơ tán và ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 16 triệu người dân Trung Quốc trong tháng rồi.

Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc cho biết thiệt hại do thiên tai trở nên nghiêm trọng vì tác động của hai cơn bão Talim và Doksuri đổ bộ nước này vào tháng rồi. Theo Tân Hoa xã, nhà chức trách Trung Quốc ngày 6-8 đã dành thêm 350 triệu nhân dân tệ để hỗ trợ các vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, nâng tổng số tiền hỗ trợ lên 520 triệu nhân dân tệ kể từ khi bão Doksuri đổ bộ hôm 28-7, gây mưa lớn ở thủ đô Bắc Kinh và những vùng xung quanh.

Trong đó, tỉnh Hà Bắc chịu nhiều thiệt hại nhất với ít nhất 20 người thiệt mạng và khoảng 1,54 triệu người phải sơ tán. Bên cạnh đó, Bắc Kinh hứng chịu lượng mưa lớn nhất trong 140 năm qua, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng. Trước đó, thành phố này đã trải qua tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận.

Hoàng Phương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :