Lãi suất giảm sâu, tiền gửi vẫn ồ ạt chảy vào ngân hàng!
Lãi suất gửi tiết kiệm đã về mức đáy giai đoạn COVID-19 nhưng dòng tiền nhàn rỗi vẫn chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng.
Số liệu của Tổng cục thống kê vừa công bố, tính tới thời điểm 20-9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8% (cùng thời điểm năm trước tăng 4,04%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,73% (cùng thời điểm năm trước tăng 10,54%).
Như vậy, tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào hệ thống ngân hàng và tăng nhanh hơn so với tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế, bất chấp lãi suất gửi tiết kiệm liên tục giảm.
Hiện nay, lãi suất tiền gửi cao nhất tại các ngân hàng nhóm Big 4 gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank chỉ còn 5,5%/năm, thấp ngang với giai đoạn COVID-19.
Vì sao lãi suất gửi tiết kiệm giảm sâu nhưng tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng? Ông Nguyễn Nhật Khánh, Trưởng phòng tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Mirae Asset, phân tích tốc độ tăng trưởng của tiền gửi trong 9 tháng của năm 2023 vẫn ở mức bình thường nếu so sánh với những năm trước đó.
Còn tốc độ tăng trưởng huy động vốn năm nay chỉ tăng nhanh hơn tín dụng do nhu cầu trong nước yếu, khả năng hấp thụ vốn vẫn chưa tăng…
Lãi suất tiền gửi giảm nhưng tiền nhàn rỗi vẫn chảy khá mạnh vào ngân hàng
"Nhu cầu gửi tiết kiệm là luôn có bất chấp lãi suất huy động giảm, và chỉ có một phần nhỏ dòng tiền nhàn rỗi từ gửi tiết kiệm dịch chuyển sang chứng khoán, bất động sản… bởi khẩu vị rủi ro là khác nhau.
Không phải ai thấy gửi tiết kiệm giảm cũng sẽ chuyển tiền nhàn rỗi qua chứng khoán hay kênh đầu tư khác" - ông Nguyễn Nhật Khánh nêu quan điểm.
Phân tích kỹ hơn quan điểm này, chuyên gia Mirae Asset cho rằng nếu thị trường chứng khoán tăng sẽ thu hút thêm dòng tiền của nhà đầu tư chảy vào nhưng không có nghĩa là dòng tiền này đều chuyển từ gửi tiết kiệm sang.
Riêng những người gửi tiết kiệm, dù lãi suất huy động giảm nhưng với mức gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên lãi suất hiện tại khoảng 5,5%-6,5%/năm, so với mức lạm phát 9 tháng khoảng 3,1% thì vẫn có mức lãi suất thực dương.
Theo Ngân hàng Nhà nước, để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cơ quan này đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2 điểm % trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.
Đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1 điểm % so với cuối năm ngoái.