A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, hoạt động bảo hiểm gặp khó trong 9 tháng đầu năm 2023

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 3/2023 và 9 tháng đầu năm của Tổng Cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đang ở mức thấp so với cùng kỳ và hoạt động kinh doanh bảo hiểm gặp khó khăn nhất định do quy định chặt chẽ của hợp đồng bảo hiểm từ kênh bán hàng qua các ngân hàng.

Tăng trưởng tín dụng 9 tháng chỉ bằng phân nửa cùng kỳ

Tính đến thời điểm 20/09/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4.75% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm trước tăng 2.49%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5.8% (cùng thời điểm năm trước tăng 4.04%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5.73% (cùng thời điểm năm trước tăng 10.54%). Nhu cầu trong và ngoài nước thấp gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, làm cho mức tăng trưởng tín dụng thấp.

Sau 4 lần điều chỉnh giảm liên tục các mức lãi suất với mức giảm từ 0.5-2%/năm, đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng đồng Việt Nam của các ngân hàng thương mại giảm khoảng hơn 1.0%/năm so với cuối năm 2022. Với tác động trễ của chính sách sau khi giảm lãi suất điều hành, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới góp phần tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân. Cơ cấu tín dụng cơ bản đã tập trung vào sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.

Tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Thị trường ngoại tệ trong nước và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường về cơ bản vẫn được đảm bảo. Đến ngày 26/09/2023, tỷ giá trung tâm ở mức 24,084 đồng/USD, tăng 2% so với cuối năm 2022.

Về tín dụng chính sách xã hội, đến 25/09/2023, tổng số vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 69,500 tỷ đồng, với hơn 1.5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn trong năm. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 309,069 tỷ đồng, tăng 26,261 tỷ đồng (tăng 9.3%) so với năm 2022. Trong đó, dư nợ các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đạt 21,019 tỷ đồng, hoàn thành 54.7% kế hoạch chương trình.

Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ 9 tháng giảm 11% so với cùng kỳ

Về thị trường bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý 3/2023 ước đạt 52.9 nghìn tỷ đồng (giảm 10.4% so với cùng kỳ năm 2022).

Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165.6 nghìn tỷ đồng (giảm 6.9% so với cùng kỳ năm 2022).

Thị trường bảo hiểm đang gặp khó khăn nhất định do quy định chặt chẽ của hợp đồng bảo hiểm từ kênh bán hàng qua các ngân hàng. 

Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52.2 nghìn tỷ đồng (tăng 2.6% so với cùng kỳ năm 2022) và lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 113.4 nghìn tỷ đồng (giảm 10.7% so với cùng kỳ năm 2022). Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 57.1 nghìn tỷ đồng (tăng 30.2% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 746.7 tỷ đồng (tăng 15.4% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 890.5 tỷ đồng (tăng 14.4% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 12.9% so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ giảm nhưng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đang có xu hướng tăng do các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang rất nỗ lực ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh cũng như đẩy mạnh hợp tác với các đối tác tiềm năng nhằm mở rộng thị trường, giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, kỳ vọng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và duy trì được mức tăng trưởng doanh thu bền vững.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :