Làm sao để vay tiền trả nợ ngân hàng khác?
Nhiều ngân hàng đang triển khai chính sách cho vay trả nợ ngân hàng khác nhưng khách hàng phản ánh không dễ tiếp cận.
Sau gần 1 tháng Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước về cho vay trả nợ ngân hàng khác có hiệu lực, nhiều ngân hàng thương mại cho biết đã triển khai chính sách này. Đến nay, một số ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, Agribank, Techcombank… đều đã công bố chính sách cụ thể về cho vay trả nợ ngân hàng khác, với mức lãi suất ưu đãi.
Về quy định cụ thể vay trả nợ ngân hàng khác, BIDV cho biết áp dụng lãi suất đối với khoản vay ngắn hạn dưới 12 tháng từ 6%/năm hoặc từ 6,8%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn từ 12 tháng trở lên.
Điều kiện cụ thể, khách hàng của BIDV đang vay vốn sản xuất - kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống có tài sản bảo đảm là bất động sản tại các ngân hàng khác, có nhu cầu vay vốn để trả nợ trước hạn, đồng thời tiếp tục thanh toán các chi phí còn lại theo phương án vay có thể đến các chi nhánh BIDV trên toàn quốc để vay vốn.
Các ngân hàng triển khai cho vay trả nợ ngân hàng khác, nhưng người vay cần tìm hiểu kỹ quy định để hưởng lợi từ chính sách mới này
"Khách hàng có thể dùng chính tài sản bảo đảm đang thế chấp tại ngân hàng khác hoặc tiền gửi, bất động sản khác của khách hàng hoặc người thân để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tại BIDV. Đồng thời sử dụng nguồn trả nợ linh hoạt qua tài sản khách hàng sở hữu" - đại diện ngân hàng thông tin.
Tại VietinBank, các khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với khoản vay phục vụ sản xuất - kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm (vay mua nhà, mua xe…) sẽ được hỗ trợ vay vốn tại VietinBank với lãi suất ưu đãi từ 5,6%/năm.
Cụ thể, lãi suất cho vay khách hàng cá nhân từ 5,6%/năm (vay sản xuất-kinh doanh) và từ 7,5%/năm (vay tiêu dùng). Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác. Ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng. Thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.
Theo cán bộ tín dụng một ngân hàng thương mại, quan trọng nhất là tài sản thế chấp của các khách hàng khi định giá lại. Như căn hộ chung cư, đất nền, nhà phố… đã bị giảm giá ở thời điểm hiện tại do thị trường bất động sản đóng băng; nếu là phương tiện vận tải như xe ô tô cũng giảm giá do khấu hao… nên giá trị khoản vay được giải ngân có thể không bằng khoản vay cũ ở ngân hàng cũ. Lúc này, khách hàng sẽ phải bổ sung tài sản thế chấp khác hoặc sổ tiết kiệm, giấy tờ có giá.
Một số khách hàng khác mới chỉ vay vốn ở ngân hàng mua nhà, mua xe trong 1-2 năm và đã được hưởng ưu đãi lãi suất thời gian đầu. Nay, nếu muốn chuyển sang ngân hàng khác sẽ phải… thu hồi lãi suất ưu đãi; hoặc đóng phí phạt trả nợ trước hạn.
"Quan trọng, muốn vay trả nợ trước hạn phải có sự đồng ý của cả ngân hàng có khoản vay hiện hữu và sẽ ký 3 bên. Tuy nhiên, khi ngân hàng mới đồng ý cho vay và giải ngân vào tài khoản của ngân hàng cũ nhưng tài sản thế chấp lại chưa thể chuyển giao ngay, cần thời gian xử lý… là những yếu tố khiến các ngân hàng chưa mặn mà triển khai quy định này" - một cán bộ tín dụng ngân hàng nêu thực tế.
Các chuyên gia tài chính khuyến cáo khách hàng cần tìm hiểu kỹ quy định trước khi chuyển khoản vay để tránh phát sinh chi phí không đáng có.