Du lịch TP HCM đặt mục tiêu lớn
Thương hiệu du lịch TP HCM ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế
Điểm đến ngày càng hấp dẫn
Tại Hội nghị tổng kết ngành du lịch TP HCM năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, chiều 30-12, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đến thành phố ước đạt 6 triệu lượt, tăng 20% so với năm ngoái; khách du lịch nội địa khoảng 38 triệu lượt, tăng 8,6%; tổng thu du lịch ước đạt 190.000 tỉ đồng, tăng 18,8%.
Thương hiệu du lịch TP HCM ngày càng được khẳng định trên phạm vi quốc tế. Thành phố được vinh danh là "Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á", "Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á", "Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á". Tạp chí du lịch CN Traveler vừa công bố TP HCM thuộc tốp 25 điểm đến du khách nên ghé thăm trong năm 2025. "Các sản phẩm, sự kiện du lịch tiếp tục được nâng tầm, nâng chất, nhiều sản phẩm du lịch có tính sáng tạo cao, có giá trị văn hóa - lịch sử gắn với đặc trưng của thành phố nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân và du khách. Năm 2025, mục tiêu đặt ra là thách thức, ngành du lịch thành phố sẽ tập trung vào sản phẩm mới, dịch vụ chuyên nghiệp, sự kiện hấp dẫn, truyền thông sáng tạo, liên kết chặt chẽ và môi trường thân thiện" - bà Ánh Hoa nói.
Ông Trần Minh Sang, Trưởng Phòng Kinh tế quận 5, cho biết từ giữa năm 2022 trở lại đây, hoạt động hỗ trợ du lịch của quận đã có nhiều khởi sắc, hoạt động các chợ truyền thống, phố chuyên doanh dần ổn định và phát triển. Các sự kiện, lễ hội được nâng tầm quy mô tổ chức. Đơn cử, lễ hội ẩm thực định kỳ mang đặc trưng vùng Chợ Lớn với tên gọi Lễ hội Ẩm thực Chợ Lớn Food Story quảng bá thương hiệu "Ăn ngon quận 5", giúp các đơn vị kinh doanh dịch vụ ẩm thực quảng bá thương hiệu, phát triển kinh doanh, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Riêng năm 2024, lễ hội thu hút hơn 38.000 lượt người dân, du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm và thưởng thức các món ngon…
Ẩm thực vốn là thế mạnh của du lịch TP HCM và đang được các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác nhằm thu hút khách đến, giữ chân khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Bà Hà Ngọc Huyền, quản lý cao cấp mảng Nhà hàng & Bar của khách sạn Le Méridien Saigon, cho rằng ẩm thực không chỉ là một nhu cầu cơ bản mà còn là yếu tố định hình trải nghiệm du lịch. Khi phát triển phân khúc ẩm thực cao cấp, TP HCM sẽ thu hút được du khách cao cấp, gia tăng nhận diện toàn cầu.
Động lực cho tăng trưởng kinh tế
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đánh giá lĩnh vực thương mại - dịch vụ năm 2024 ước tăng 10,7%, với sự đóng góp quan trọng của ngành du lịch, là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Dũng nhận định năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều hoạt động, trong đó có du lịch. Và để du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực tăng trưởng cho kinh tế thành phố, cần triển khai hiệu quả Đề án Phát triển du lịch đến năm 2030 với 9 nhóm giải pháp, trong đó, nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách được xác định là yếu tố tạo đột phá, chủ động tích hợp các yêu cầu phát triển du lịch trong quy hoạch chung của thành phố và quá trình đầu tư, triển khai các dự án hạ tầng đô thị, dịch vụ - thương mại, văn hóa - xã hội…
Tập trung nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tối đa thế mạnh đặc trưng của các quận, huyện và TP Thủ Đức. Xây dựng chính sách thu hút khách MICE và hoàn thiện hạ tầng để phát triển du lịch đường thủy; thúc đẩy phát triển du lịch ẩm thực. Đồng thời, chú trọng phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường.
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cũng đánh giá 2024 là năm có nhiều khó khăn, thách thức, bên cạnh những cơ hội nhưng du lịch TP HCM vẫn có nhiều điểm sáng. Du lịch MICE, du lịch đường sông, những lễ hội như Lễ hội Sông nước, hội chợ du lịch quốc tế… đã góp phần thu hút khách trong nước và quốc tế, kéo dài thời gian lưu trú, chi tiêu của khách.
TP HCM cũng được đánh giá cao khi tiên phong xúc tiến quảng bá ở trong nước và nước ngoài đem lại hiệu quả rất lớn. Những con số về lượng khách, doanh thu khẳng định ngành du lịch của thành phố không chỉ hoàn toàn phục hồi sau dịch COVID-19 mà còn dẫn đầu cả nước về tất cả chỉ số phát triển. "Trong bối cảnh ngành du lịch đang đối mặt nhiều thách thức và cạnh tranh gay gắt, Sở Du lịch cần tăng cường liên kết giữa TP HCM với các địa phương khác, đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch, tiếp tục cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch. Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả quản lý và tăng cường hợp tác quốc tế để đưa du lịch Việt Nam, trong đó có TP HCM, vươn xa hơn nữa trên bản đồ du lịch thế giới" - ông Nguyễn Trùng Khánh nói.
Bình Thuận hút khách dịp Tết dương lịch
Ngày 30-12, Trung tâm Xúc tiến du lịch Bình Thuận cho biết các khu du lịch lớn tại Mũi Né và toàn tỉnh đều đã chuẩn bị kỹ lưỡng các chương trình riêng để chào đón năm mới dương lịch 2025. Ngoài khách truyền thống từ Nga, Đức, Mỹ, năm nay còn có đông du khách đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Điểm nhấn là lễ hội âm nhạc bên bãi biển và chương trình tiệc gala xuyên đêm.
Theo ông Nguyễn Văn Khu, đại diện Khu Du lịch Mũi Né Bay, mặc dù Tết dương lịch rơi vào giữa tuần, lượng khách quốc tế đến đây vẫn đông do trùng với cao điểm nghỉ đông. Chương trình gala dinner kết hợp BBQ và âm nhạc bên hồ bơi là hoạt động truyền thống được tổ chức nhằm mang lại trải nghiệm đáng nhớ cho du khách.
Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận dự kiến tổ chức lễ hội đếm ngược Countdown tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Phan Thiết, với nhiều tiết mục đặc sắc như thi người đẹp, trình diễn thời trang, bắn pháo hoa nghệ thuật tầm thấp.
Năm 2024, Bình Thuận đón 9,68 triệu lượt khách, tăng 15,91% so với năm trước, thu về 25.530 tỉ đồng từ hoạt động du lịch.
Ch.Tỉnh
Khánh Hòa, Lâm Đồng thắng lớn
Ngày 30-12, Lâm Đồng đón nhận cột mốc đặc biệt khi chào đón du khách thứ 10 triệu. Anh Nguyễn Đăng Dũng, từ Hà Nội, đã trở thành vị khách đặc biệt này khi hạ cánh tại sân bay Liên Khương. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Hồng Thái, gửi lời cảm ơn tới anh Dũng và toàn bộ du khách đã chọn Lâm Đồng làm điểm đến.
Thông tin tại sự kiện, ông Thái cho biết năm 2024, Lâm Đồng đã đạt được những thành tựu ấn tượng với 10 triệu lượt khách du lịch, tăng 15,6% so với năm 2023, vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 600.000 lượt, khách nội địa là 9,4 triệu lượt, với 7,6 triệu lượt khách lưu trú. Riêng TP Đà Lạt đón 7,9 triệu lượt khách tham quan và 5,9 triệu lượt khách lưu trú, ghi nhận mức tăng trưởng cao và vượt kế hoạch năm.
Nhiều sự kiện lớn đã góp phần tạo nên thành công này, tiêu biểu là Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X và Tuần lễ vàng Du lịch. Trong đó, Festival Hoa đã thu hút tới 2 triệu lượt khách chỉ trong một tháng, khẳng định vị thế của Đà Lạt - Lâm Đồng là điểm đến an toàn, văn minh và hấp dẫn.
Năm 2025, ngành du lịch Lâm Đồng đặt mục tiêu tăng cường quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch, bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, an ninh và bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững cho ngành du lịch của tỉnh.
Trong khi đó, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết năm 2024, Nha Trang - Khánh Hòa đạt nhiều thành công lớn trong ngành du lịch, với hơn 10,6 triệu lượt khách, tăng 45,5% so với năm 2023, vượt 17,8% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 4,5 triệu lượt, tăng 89,3%. Tổng thu từ du lịch ước đạt gần 52.272 tỉ đồng, vượt 30,4% kế hoạch, cao hơn cả năm 2019 - thời điểm đỉnh cao của ngành.
Các hoạt động xúc tiến, quảng bá được đẩy mạnh, đặc biệt là hướng tới thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Kazakhstan. Nhiều sự kiện lớn được tổ chức như Liên hoan Du lịch biển Nha Trang, Lễ hội Vịnh ánh sáng quốc tế, Liên hoan Nhạc jazz quốc tế và Giải thưởng Cánh diều vàng. Doanh nghiệp cũng đầu tư vào sản phẩm mới, tiêu biểu là Vinpearl Nha Trang với khu phố thương mại Vinpearl Harbour, hệ thống cáp treo mới và sô diễn "Huyền thoại biển xanh".
TP Nha Trang còn được tạp chí Travel+Leisure Southeast Asia vinh danh trong tốp 25 điểm đến hàng đầu châu Á năm 2025, xếp thứ 6 - nhấn mạnh vẻ đẹp quyến rũ, lý tưởng cho nghỉ dưỡng, thể thao dưới nước và ngắm hoàng hôn.
Tuy nhiên, du lịch Khánh Hòa vẫn còn một số hạn chế, như hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, giờ cao điểm tắc nghẽn và thị trường khách quốc tế chưa đa dạng. Với đà tăng trưởng hiện tại, Khánh Hòa đặt mục tiêu năm 2025 đón 11,8 triệu lượt khách, bao gồm 5,2 triệu khách quốc tế, doanh thu đạt 60.000 tỉ đồng.
K.Nam - Tr.Nguyên